Nghiên cứu sinh lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giảm mạnh

- Thứ Sáu, 24/02/2023, 12:05 - Chia sẻ

Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, số lượng nghiên cứu sinh trúng tuyển 5 năm gần đây chỉ bằng 1/5 giai đoạn 2014 - 2017; có ngành 5 năm chỉ tuyển được 1 nghiên cứu sinh.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Hà Nội, sáng 24.2, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

Khó khăn để bảo đảm tiến độ chương trình đào tạo tiến sĩ -0
Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, PGS. TS Phạm Thị Thu Hương cho biết, Trường đang đào tạo tiến sĩ 3 ngành: Khoa học thông tin - Thư viện (Quyết định năm 2008); Văn hóa học (Quyết định năm 2008); Quản lý văn hóa (Quyết định năm 2014). Đến nay, Trường đã đào tạo và cấp bằng cho 62 nghiên cứu sinh. Các tiến sĩ được cấp bằng đã phát huy vai trò chủ động dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính sách về văn hóa tại các địa phương và nhiều cơ quan trung ương, các trường đại học, viên nghiên cứu.

Tuy vậy, công tác đào tạo nghiên cứu sinh của Trường cũng tồn tại một số vấn đề. Đa số nghiên cứu sinh tốt nghiệp chậm so với tiến độ do vừa tham gia học tập, nghiên cứu, vừa đảm nhiệm công việc tại nơi công tác nên chưa dành toàn thời gian cho hoạt động nghiên cứu. Các nghiên cứu sinh chủ yếu công bố nghiên cứu trong nước, chưa có công bố quốc tế.

Về hoạt động tuyển sinh, số lượng nghiên cứu sinh trúng tuyển 5 năm gần đây chỉ bằng 1/5 giai đoạn 2014 - 2017. Lý do có thể xuất phát từ các quy chế đào tạo đã nâng chuẩn ngoại ngữ đầu vào, trong khi nghiên cứu sinh lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhìn chung trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Đặc biệt, ngành Khoa học thư viện chỉ tuyển được 1 nghiên cứu sinh trong 5 năm.

Khó khăn để bảo đảm tiến độ chương trình đào tạo tiến sĩ -0
Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, PGS. TS Phạm Thị Thu Hương chỉ ra những vướng mắc, tồn tại trong đào tạo trình độ tiến sĩ ở cơ sở

Đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, nhìn chung hệ thống văn bản khá toàn diện và bao quát được các phương diện quản lý như: tuyển sinh, đào tạo, chế độ học phí, chuẩn chương trình… Hệ thống văn bản được cập nhật phù hợp với thực tế và yêu cầu của đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam theo từng giai đoạn. Yêu cầu về công bố quốc tế đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh tại thông tư 08/2017/TT-BGDĐT quá cao so với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành Thông tư 18/2021.

Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 5, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy định mỗi nghiên cứu sinh có 1 hoặc 2 người hướng dẫn, trong đó có 1 người là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật; làm việc theo chế độ trọn thời gian tại cơ sở đào tạo với thời hạn của hợp đồng phù hợp với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa của nghiên cứu sinh. Điều này là khó khăn đối với các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, nơi số lượng giảng viên có học hàm GS, PGS không nhiều, trong khi người hướng dẫn phải có kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án hướng dẫn.

Với Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, nghiên cứu sinh gặp một số khó khăn để bảo đảm tiến độ chương trình đào tạo. Trong khi yêu cầu chất lượng luận án, công bố kết quả nghiên cứu cao hơn so với quy chế cũ nhưng thời gian dành cho nghiên cứu sinh ít hơn quy chế cũ. Số lượng nghiên cứu sinh giảm mạnh vì yêu cầu cao đối với cả nghiên cứu sinh cũng như người hướng dẫn về công bố quốc tế. Hai năm 2018 - 2019, nhà trường không có nghiên cứu sinh theo học mặc dù đã trúng tuyển.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh phù hợp về quy định số lượng thành viên hội đồng có chức danh GS, PGS, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thành lập hội đồng, nhất là với những khối ngành văn hóa, nghệ thuật vốn rất ít GS, PGS. Hiện nay một số cơ sở đào tạo cùng đào tạo tiến sĩ một ngành, nhưng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra lại khác nhau, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chuẩn đầu ra tối thiểu, các nội dung cốt lõi của chương trình tiến sĩ để các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo.

Khó khăn để bảo đảm tiến độ chương trình đào tạo tiến sĩ -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, trưởng đoàn công tác, phát biểu tại buổi làm việc

Thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trong bối cảnh xã hội chuyển động mạnh mẽ ảnh hưởng đến xu thế của người học, nhiều ngành đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gặp khó khăn. Nhân lực trình độ cao ngành văn hóa, nghệ thuật cần tăng lên về số lượng nhưng cũng cần bảo đảm về chất lượng. 

Những thách thức đặt ra là áp lực song cũng là động lực để các cơ sở đào tạo tiếp tục đổi mới, phát triển. Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến tại buổi làm việc, trên cơ sở đó góp phần làm rõ bức tranh tổng thể, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ.

Thái Minh
#