Nên quy định cụ thể về nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh

- Thứ Năm, 23/02/2023, 19:11 - Chia sẻ

Chiều 23.2, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ. 

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường đại học tư thục, được thành lập tháng 6.1996, do GS. Trần Phương, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, làm Hiệu trưởng. Trường là cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, được xác định sứ mệnh đào tạo các nhà kinh tế, nhà kỹ thuật - công nghệ thực hành; bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng, tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo tiến sĩ từ năm 2014, với một ngành đào tạo là Quản trị kinh doanh. Đến nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo 85 nghiên cứu sinh, trải qua 6 khóa đào tạo. Khóa 7, trường có 18 nghiên cứu sinh, tuyển sinh tháng 12.2022.

Trong quá trình đào tạo tiến sĩ, Trường cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định hồ sơ, nội dung luận án tiến sĩ của các nghiên cứu sinh, chưa có trường hợp nào liên quan đến hồ sơ và chất lượng luận án không đạt và phải thành lập lại Hội đồng đánh giá lại luận án tiến sĩ hoặc đã bảo vệ cấp trường mà không được cấp bằng tiến sĩ. Các luận án được hội đồng các cấp thông qua đều được đánh giá có chất lượng.

Đại diện Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, hệ thống văn bản pháp luật đã tạo hành lang pháp lý trong tất cả các khâu tuyển sinh và quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ. Tuy vậy, thực tiễn đào tạo tiến sĩ tại trường cho thấy còn nhiều điểm hạn chế cần xem xét khắc phục. Chẳng hạn như việc mở thêm ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cụ thể và nhà trường có đủ năng lực cần thiết về giảng viên, quản lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhưng đến nay vẫn chưa được mở. 

Đại diện Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng thừa nhận, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo đôi chỗ ít được đổi mới, nặng về lý thuyết cơ bản. Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa mạnh, chưa đủ tầm, chưa có nhiều biện pháp toàn diện và cụ thể, bảo đảm để gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo trình độ tiến sĩ. Công tác quản lý đào tạo còn thiếu đổi mới, nặng tính thủ công, lãnh đạo các khoa đào tạo chưa chú trọng đến quản lý, bồi dưỡng để giảng viên đủ điều kiện giảng dạy nghiên cứu sinh.

Nhà trường kiến nghị, một số quy chế, quy định hướng dẫn về mở ngành đào tạo tiến sĩ cần xem xét làm rõ hơn, hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn các tiêu chuẩn mở ngành đào tạo tiến sĩ để các trường nhanh chóng tự chủ đào tạo mở ngành mới phù hợp với năng lực hiện có của từng trường. Một số trường đại học tư thục có sử dụng đội ngũ nhà sư phạm, nhà khoa học trong quá khứ có công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ, tuy nhiên một vài năm gần đây ít công trình nghiên cứu khoa học hoặc chưa đủ một vài tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh. Do vậy, cần xem xét quy định chấm điểm các công trình nghiên cứu khoa học trước đây giúp họ đạt tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đào tạo. Bên cạnh đó, nên có quy định cụ thể về thời gian, số lượng, chất lượng công trình, kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu sinh...

Đoàn giám sát ghi nhận những ý kiến tại buổi làm việc, sẽ nghiên cứu, tiếp thu, trên cơ sở đó góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Khẳng định Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là cơ sở đào tạo ra đời trong bối cảnh đặc thù, gắn với di sản trí tuệ, tinh hoa nhiều thời kỳ, thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa mong muốn nhà trường sẽ phát huy thế mạnh này, từ đó tiếp tục siết chặt đội ngũ, kết nối, huy động các nguồn lực nhằm tạo ra nhiều đột phá trong công tác đào tạo, trong đó có đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao. 

Thái Minh
#