Kiện toàn chính sách về bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp

- Thứ Sáu, 24/03/2023, 11:54 - Chia sẻ

Sáng 24.3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức Tọa đàm “Tiếp tục kiện toàn chính sách và công tác tuyên truyền bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp”.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh và Quyền trưởng Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Quang Tùng đồng chủ trì tọa đàm.

Cùng dự có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân và một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số Đoàn ĐBQH và các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, là nơi cư trú của một số loài động, thực vật hoang dã thuộc nhóm tiêu biểu và nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia sớm tham gia các Công ước và hợp tác quốc tế về bảo tồn, bảo vệ động, thực vật hoang dã.

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Hồ Long
Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Hồ Long

Nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và vai trò của các loài động, thực vật hoang dã, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế, trong thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm đến bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, triển khai nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Bên cạnh đó, từng bước nội luật hóa và ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng tính đa dạng sinh học có biểu hiện suy giảm, số loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ ngày càng nhiều. Những hạn chế của văn bản pháp luật và sự chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và về cơ quan quản lý chuyên ngành… cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Hồ Long
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Hồ Long

Theo các đại biểu tại tọa đàm, hiện nay, tình trạng săn, bắt, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương; nhận thức của người dân, của xã hội còn chưa đầy đủ; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác bảo tồn, quản lý động, thực vật hoang dã còn hạn chế… Do đó, các bộ, ngành cần thực thi đầy đủ Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã; đẩy mạnh phối hợp giữa các bên liên quan trong thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, giảm cầu, nâng cao nhận thức cộng đồng; đưa giáo dục bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã vào giảng dạy ở các cấp bậc phổ thông…

Giám đốc Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (WWF) Michelle Owen cho biết, Dự án hướng tới những nỗ lực toàn diện, mang tính hệ thống và có tác động mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật. Đồng thời tin tưởng sự tham gia và hành động của Quốc hội là công cụ mạnh mẽ nhất thu hút sự chú ý của công chúng đối với vấn đề buôn bán và tiêu thụ trái pháp luật động vật hoang dã. Giám đốc WWF cũng bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ của Quốc hội, qua đó mong muốn các giải pháp, sáng kiến các đại biểu đề xuất tại tọa đàm sẽ được triển khai thực tế.

Minh Trang
#