Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV:

Kiểm soát chặt chẽ, minh bạch đất phát triển nhà lưu trú cho công nhân

- Thứ Hai, 05/06/2023, 12:00 - Chia sẻ

Với các tiêu chí rất rộng về công trình tiện ích kèm theo nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, minh bạch có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng việc đề xuất đầu tư dự án khu công nghiệp để sử dụng đất vào mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ, làm ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất, kinh doanh của khu công nghiệp.

Xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân phải phù hợp với quy hoạch địa phương

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng nay, 5.6, các ĐBQH khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở nhằm hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở; hạn chế, ngăn ngừa các khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực nhà ở. Bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị…

Kiểm soát chặt chẽ, minh bạch đất phát triển nhà lưu trú cho công nhân -0
Các ĐBQH thảo luận tại tổ. Ảnh: Quang Khánh

Về quy định nhà ở lưu trú của công nhân, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, không nên quy định mỗi khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều phải có nhà ở cho công nhân, mà nên theo quy hoạch của địa phương. Đơn cử, mỗi địa phương có tới gần 20 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nếu mỗi khu công nghiệp, cụm công nghiệp lại bố trí riêng nhà ở cho công nhân thì có thực sự cần thiết không và có quỹ đất không? Việc quy định nhà ở lưu trú cho công nhân nên phù hợp với quy hoạch của địa phương, phù hợp với nhu cầu và yêu cầu phát triển đô thị.

Tại điểm c, Khoản 2, Điều 92, dự thảo Luật quy định dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, bảo đảm đủ các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu lưu trú gồm: y tế, sinh hoạt văn hóa, sân chơi, thể dục, thể thao, dịch vụ, thương mại và tiện ích công cộng. Theo ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên), việc xây dựng nhà lưu trú công nhân ở trong hàng rào khu công nghiệp cần được cân nhắc kỹ, để bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bởi, tại Khoản 1, Điều 19 và Khoản 9, Điều 77 của Luật Đầu tư xác định, phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp phải nằm ngoài phạm vi ranh giới địa lý của khu công nghiệp và bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, quy định của dự thảo Luật là chưa thống nhất với Luật Đầu tư về quy hoạch khu nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong khu công nghiệp, đại biểu Dương Bình Phú chỉ rõ.

Cũng theo đại biểu, với các tiêu chí rất rộng về công trình tiện ích kèm theo nhà lưu trú công nhân như trong dự thảo Luật, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, minh bạch có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng việc đề xuất đầu tư dự án khu công nghiệp để sử dụng phần diện tích đất này vào mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ - là đất có giá trị cao để hưởng lợi, cũng như làm ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất, kinh doanh của khu công nghiệp.

Về quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân, ĐBQH Ngô Hoàng Ngân (Quảng Ninh) nêu vấn đề, có nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nhưng không nằm trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Chẳng hạn như địa bàn tỉnh Quảng Ninh có các doanh nghiệp của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói…) có nhu cầu đầu tư nhà ở lưu trú cho công nhân lao động. Vì vậy, nên xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 88 theo hướng, bổ sung doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có quyền sử dụng đất có nhu cầu tư nhà ở lưu trú công nhân, chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh giao đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.

Quan tâm đến quy định tại khoản 1, Điều 31 dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua, đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, quy định này đang mở rộng đối tượng lấy ý kiến so với Điều 169, Luật Nhà ở hiện hành, là chỉ các thành phố trực thuộc Trung ương mới phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng. Điều này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục trong việc xin ý kiến và tăng thêm nguồn lực phục vụ cho công tác góp ý về chương trình phát triển nhà ở, chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc lập, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị, không mở rộng đối tượng phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh. Đồng thời, làm rõ sự cần thiết tiếp tục quy định các thành phố trực thuộc Trung ương phải lấy ý kiến Bộ Xây dựng về nội dung này.

Liên quan đến vấn đề này, các ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi), Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đề nghị, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, theo đó, UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở để trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình.

Tránh chồng lấn, xung đột về phạm vi điều chỉnh với các luật có liên quan

Trước đó, trong phiên làm việc tại Hội trường, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó khẳng định, quan điểm xây dựng dự án Luật là bám sát các nội dung trong các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến lĩnh vực phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội. Kế thừa các quy định hiện hành đang còn phù hợp, đồng thời luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn.

Kiểm soát chặt chẽ, minh bạch đất phát triển nhà lưu trú cho công nhân -0
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở. Thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, Ủy ban Pháp luật nhận thấy dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật có liên quan, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... Do đó, cần rà soát kỹ để tránh chồng lấn, xung đột về phạm vi điều chỉnh. Ví dụ như quy định của dự thảo Luật về nhà ở có mục đích hỗn hợp, dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác không phải để ở với dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); hoạt động “phát triển nhà ở” theo dự thảo Luật với hoạt động xây dựng trong Luật Xây dựng.

Hoàng Ngọc
#