Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực phía Nam

- Thứ Ba, 14/03/2023, 17:09 - Chia sẻ

Sáng 14.3, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực phía Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đồng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, quá trình quản lý đất đai ở khu vực miền Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm khác biệt so với các vùng miền trên cả nước, do đó, một trong những yêu cầu đặt ra với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là làm sao có được những quy định bảo đảm yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên, văn hóa cho các vùng, miền cũng như tính đa dạng, sự giao thoa trong vấn đề chính sách. Đặc biệt, chính sách đất đai cần bảo đảm để mọi người dân trên cả nước được tiếp cận công bằng. Đây là yêu cầu quan trọng, cần thiết.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, lâu nay, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, còn có sự bất cập giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch tỉnh. Do đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo, bất cập, khó thực hiện. Về kế hoạch sử dụng đất, cần nghiên cứu sửa lại quy định về thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2 năm rưỡi), bởi quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn 12 tháng như dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện, gây tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, của các tổ chức và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai (Chương 7, từ Điều 89 đến Điều 110) theo quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp - là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu. Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua sản xuất nông nghiệp sẽ gây ra nhiều bất cập. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận nêu vấn đề: Tại Điều 80 dự thảo Luật Đất đai, cụ thể là điểm b khoản 1 về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, có nội dung: “Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm...”. Thực tế cho thấy, việc xác định “cố ý” hay “không cố ý” là rất khó khăn. Do đó, đề nghị nên sửa lại nội dung này, như sau: “Người sử dụng đất có hành vi hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm...”.

Về đất tôn giáo, tín ngưỡng, tại Điều 203, dự thảo Luật quy định: “Tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở) thì chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật này”. Thực tế hiện nay, đất do các cơ sở tôn giáo quản lý, sử dụng chủ yếu là đất nông nghiệp; theo khoản 2 Điều 120 quy định nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần đối với sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Như vậy, trường hợp cơ sở tôn giáo sử dụng đất nông nghiệp sẽ cho thuê trả tiền thuê đất một lần theo Điều 120, nhưng tại Điều 203 thì lại quy định cho thuê đất trả tiền hàng năm. Đây là nội dung cần rà soát để bảo đảm sự thống nhất của dự luật.

Tại khoản 3, Điều 183 dự thảo Luật có quy định việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để thực hiện dự án lấn biển. Tuy nhiên, thực tế, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc lấn biển có ảnh hưởng đến phạm vi của ba khu vực: đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị, cần nghiên cứu luật hóa, xây dựng một điều riêng về lấn biển, thực hiện dự án lấn biển theo hướng không phân biệt sử dụng các loại đất theo ranh giới hiện trạng (đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển) mà thực hiện thủ tục đất đai theo loại đất đã hình thành sau khi lấn biển theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Đồng thời, quy định rõ phương pháp định giá đất đối với dự án lấn biển là phương pháp thặng dư có xem xét đến chi phí san lấp lấn biển, bờ kè của nhà đầu tư; bổ sung đất bãi bồi ven biển được giao để thực hiện dự án lấn biển trong Điều 184 của dự thảo Luật.

Theo PGS.TS. Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ, khi Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai 2013 phục vụ các mục đích như quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thì giá đất tính bồi thường chưa phản ánh đúng giá trị trên thị trường. Thực tế cho thấy, trường hợp bên thu hồi đất (nhà nước hoặc doanh nghiệp) và bên có đất bị thu hồi (người dân) không có cùng quan điểm với nhau về mức giá đến bù thì “bên yếu thế” vẫn thường là người dân. Theo đó, liên quan đến vấn đề xác định giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để đầu tư hạ tầng đấu giá đất, PGS.TS. Phan Trung Hiền cho rằng cần xây dựng cơ chế để người dân tham gia vào quy trình xây dựng bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể, bởi họ không thể đứng ngoài cuộc khi người khác định giá tài sản do mình là chủ sử dụng. 

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận ý kiến đóng  góp của các đại biểu và nêu rõ, thời gian qua, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương đã triển khai việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đóng góp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách bài bản, khoa học, xác thực, cụ thể, khả thi và tập trung đúng đối tượng. Việc lấy ý kiến của Nhân dân với dự luật nhằm phát huy trí tuệ, sự đóng góp của nhân dân, đưa thực tiễn cuộc sống vào dự án Luật.

Tin và ảnh Vũ Châu
#