Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông

- Thứ Năm, 23/03/2023, 18:58 - Chia sẻ

Chiều 23.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông -0
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các thành viên Đoàn giám sát.

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, toàn tỉnh có 231 trường học với 146.679 học sinh; có 10.284 biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát triển ổn định. Chuyển biến rõ nét nhất sau khi triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh; đổi mới mạnh mẽ về phương pháp và hình thức dạy học. Đắk Nông là một trong số các địa phương đầu tiên hoàn thành biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo quy định; hiện còn Tài liệu lớp 3, tỉnh đang khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện để trình phê duyệt.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông -0
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười phát biểu 

Tuy nhiên, Đắk Nông là tỉnh miền núi, biên giới, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đời sống Nhân dân còn khó khăn, ngân sách đầu tư cho giáo dục đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Những điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông đã ảnh hưởng đến việc phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, tác động đến việc triển khai thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Bên cạnh đó, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền giao chưa bảo đảm theo định mức quy định; việc thực hiện điều chuyển giáo viên ở các trường thừa ở một số môn học đến các trường còn thiếu chưa được thực hiện triệt để. Những năm gần đây, tốc độ gia tăng dân số của tỉnh Đắk Nông đã làm tăng quy mô số lượng học sinh gây áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng dạy và học.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác kiêm nhiệm hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp chưa được đào tạo chuyên sâu, cũng như chưa dự báo được nhu cầu sử dụng lao động ở các ngành nghề, từ đó đã ảnh hưởng đến việc phân luồng học sinh. Một số trường chưa quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, chủ yếu tập trung đến việc hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ phân luồng học sinh.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu

Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là một nhiệm vụ lớn và khó, trong giai đoạn đầu triển khai bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai Chương trình. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát nhận thấy việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đó là: giá sách giáo khoa cao so với thu nhập của một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc; tình trạng đội ngũ giáo viên thừa thiếu cục bộ, thiếu giáo viên dạy các môn học mới đưa vào chương trình mới còn diễn tra ở nhiều cơ sở giáo dục; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới… Đây thực sự là một thách thức lớn trong lộ trình thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông -0
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị UBND Tỉnh Đắk Nông tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ưu tiên đầu tư nguồn lực thích hợp; đề nghị ngành giáo dục và đào tạo Đắk Nông nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo vượt qua những khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông -0
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông

Đoàn giám sát ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Đắk Nông và cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cho các cơ sở giáo dục. 

Cùng ngày, các Đoàn công tác của Đoàn giám sát đã làm việc với Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính và Trường THCS Nguyễn Du, huyện Đắk Glong.

Tin và ảnh: Nhật Trường
#