Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của các tổ chức tín dụng

- Thứ Hai, 05/06/2023, 18:44 - Chia sẻ

Nhận định dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự luật khó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, so với bản trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến thì bản trình Quốc hội lần này đã rất khác, song nhiều nội dung cũng cần tiếp tục rà soát để khi luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của các tổ chức tín dụng -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Nhận định dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự luật khó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, so với bản trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến thì bản trình Quốc hội lần này đã rất khác. Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt việc tiếp thu, chỉnh lý dự luật này trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần tiếp tục rà soát, quy định để khi luật được ban hành sẽ tạo khung pháp lý vững chắc cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Các tổ chức tín dụng có vai trò như một bộ luật đối với các tổ chức tín dụng, mọi hành xử của các các tổ chức này đều phải dựa vào luật này là chính. Ghi nhận những đóng góp rất lớn của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đã có nhiều vấn đề đặt ra đối với các tổ chức này như: việc tái cơ cấu, xử lý ngân hàng yếu kém, khắc phục, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của các tổ chức tín dụng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nghị quyết Trung ương đã nói rất rõ là chấm dứt sở hữu chéo chứ không phải nói hạn chế nữa. Vừa qua, tuy nước ta chưa có luật về tập đoàn tài chính nhưng trong thực tế đã bắt đầu hình thành các mô hình như tập đoàn tài chính như: công ty mẹ - con nhưng công ty mẹ là một tổ chức tín dụng; một tập đoàn nhưng trong đó có một tổ chức tín dụng là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn...

“Do đó, đúng như các đại biểu đã nói, quan trọng không phải là sở hữu 5% hay 3% mà trong một số luật của các nước đều quy định anh sở hữu vốn trong các ngân hàng thương mại thì đều có nghĩa vụ phải báo cáo công khai hết để biết được ai có liên quan, ai thực sự chi phối tổ chức, hoạt động của ngân hàng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Với hai ngân hàng chính sách, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nên có một chương riêng, quy định nguyên tắc và giao cho Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết hơn. Hiện nay, hai ngân hàng này không có luật điều chỉnh mà mới chỉ được điều chỉnh bằng nghị định. Dự luật cũng đã quy định một số nội dung liên quan, nhưng về tổ chức, hoạt động của các ngân hàng này thì chưa đề cập.  

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của các tổ chức tín dụng -0
ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tại phiên thảo luận tổ chiều nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ có mấy dòng quy định về tài chính của tổ chức tín dụng là chưa được. Tán thành nhận định này, Chủ tịch Quốc hội phân tích, doanh thu thế nào, chi phí thế nào, thế nào là doanh thu hợp lý, thế nào là doanh thu không hợp lý, cái nào là doanh thu nhận trước, cái nào là lãi dự thu, trích lập dự phòng thế nào... -  phải làm rõ, quy định ngay trong luật này để giải thích được câu hỏi tại sao lạm phát thấp mà lãi suất huy động cao như thế, để tường minh cho xã hội được biết.

Về xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, không phải tất cả các nội dung của Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đều đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). “Nghị quyết này được ban hành, áp dụng trong một giai đoạn đặc biệt, bây giờ nền kinh tế đã cơ bản trở lại bình thường thì chúng ta phải áp dụng các quy định trong điều kiện bình thường”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến nhưng nhiều nội dung vẫn cần làm rõ hơn. Ví dụ, trong điều kiện đặc biệt thì khoản thu được từ xử lý tài sản sẽ ưu tiên đầu tiên cho ngân hàng thương mại, nộp thuế sau, trả cho các đối tượng liên quan sau, nhưng trong điều kiện bình thường thì thứ tự ưu tiên phải khác. Hay VAMC bây giờ phải hoạt động hoàn toàn theo cơ chế mua bán nợ theo thị trường chứ không thể theo trái phiếu đặc biệt như trước đây nữa. Hay quyền định đoạt về tài sản đảm bảo nếu có tranh chấp thì trong điều kiện bình thường là phải theo thể thức bình thường, ra toà án xử lý chứ không thể trao quyền cho ngân hàng xử lý như giai đoạn đặc biệt trước đây... “Như vậy, nội dung nào hợp lý thì mới luật hoá”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phạm Thuý
#