Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phải có bước tiến trong quản lý các lưu vực sông

- Thứ Hai, 05/06/2023, 18:38 - Chia sẻ

Với 60% tổng lượng nước của nước ta phụ thuộc vào nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả phải tiếp tục được rà soát, thể hiện cụ thể hơn nữa trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), từ nguyên tắc, quan điểm cho đến giải pháp. Đồng thời, phải có bước tiến trong quản lý các lưu vực sông. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phải có bước tiến trong quản lý các lưu vực sông -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Lâm Hiển

Phải có quy định quản lý, giám sát nguồn nước mặt

Tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 5.6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu triệt để hơn một số nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vì "dự luật trình Quốc hội lần này đã có tiếp thu, nhưng chưa được thể hiện rõ lắm". 

Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, bản thân nước thải cũng là 1 loại tài nguyên, nhất là trong phát triển kinh tế tuần hoàn thì rác thải, nước thải cũng là tài nguyên, nhưng trong dự thảo Luật chưa nói vấn đề này. Nước ngọt cũng là tài nguyên, nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên. Đồng bằng sông Cửu Long bây giờ quy hoạch phát triển sản xuất không phải theo lãnh thổ hành chính nữa mà theo nguồn nước: nước lợ thì làm gì, nước mặn thì làm gì, rất rõ như thế.

“Nước xử lý sau nước thải cũng là tài nguyên. Chúng ta không có khái niệm này nên đôi khi việc tính toán đầu tư các nhà máy xử lý nước thải không được quan tâm, làm cho giá thành đầu tư các nhà máy này tăng lên, nguồn nước thải sau khi xử lý xong cũng không được sử dụng…”. Nêu kinh nghiệm của Israel tận dụng đến từng giọt nước sau khi xử lý nước thải xong, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật phải tính cả chuyện nước thải, nước tận dụng sau khi xử lý nước thải cũng là tài nguyên và có kế hoạch sử dụng triệt để nguồn nước này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phải có bước tiến trong quản lý các lưu vực sông -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo Luật cũng chưa đề cập vấn đề quản lý, sử dụng nguồn nước mặt trong khi an toàn nguồn nước mặt là vấn đề rất quan trọng. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, tại Hà Nội, 100% nước sinh hoạt là nước được sản xuất từ nguồn nước mặt chứ không phải là từ nước ngầm, nếu có sự cố gì về môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt này thì sẽ tác động rất lớn.

"Thực tế đã xảy ra tình huống này rồi. Khi chúng tôi yêu cầu phải lắp đặt các trạm quan trắc nguồn nước mặt này thì ngành tài nguyên của Thủ đô báo cáo không có định mức chi phí, biên chế gì về vấn đề này. Dự thảo Luật lần này có bổ sung vấn đề này không?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và lưu ý, đây là câu chuyện thực tế phải tính toán để có quy định trong luật để quản lý, giám sát nguồn nước mặt.

Tiết kiệm nguồn nước cũng là một trong các nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tại phiên họp tổ chiều nay. Chủ tịch Quốc hội nêu kinh nghiệm của Israel không có khái niệm tưới cây, cũng không có khái niệm tưới cho rễ mà chỉ có rễ nào cần tưới mới tưới, rễ chùm công nghệ tưới khác, rễ cọc công nghệ tưới khác, khi nào cần mới tưới chứ không tưới ngập như chúng ta... “Mình rất ít nước nhưng lại rất lãng phí nước. Khai thác và sử dụng là hai khái niệm khác nhau. Vì vậy, trong dự luật này cũng phải nhấn mạnh yêu cầu sử dụng nước tiết kiệm, nhất là trong nông nghiệp, phải áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Chúng ta phải có chính sách khuyến khích  việc áp dụng các công nghệ sử dụng tiết kiệm nước, nhất là trong nông nghiệp, trong thuỷ lợi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, rõ trách nhiệm của từng bộ

Về quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội nhất trí quan điểm của các đại biểu về việc phải nhấn mạnh thêm trong dự thảo Luật về hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác trong Tiểu vùng tiểu sông Mê Kông.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, hiện nay, liên quan đến nước có rất nhiều bộ quản lý. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về nước nói chung và nước ngầm; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì quản lý nhà nước về thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai và nước sạch ở nông thôn; Bộ Xây dựng lại quản lý nhà nước về nước sạch đô thị; Bộ Công thương quản lý nước các công trình thuỷ điện, hồ đập thuỷ điện; Bộ Giao thông – Vận tải quản lý về đường thuỷ nội địa, giao thông thuỷ nói chung; Bộ Y tế quản lý chất lượng nước sinh hoạt…

“Rất nhiều bộ, rất nhiều ngành quản lý như vậy thì bây giờ, trong dự luật này cũng phải quy định tương đối rành mạch chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Chính phủ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chủ trì giúp Chính phủ quản lý nhà nước về tài nguyên nước và trực tiếp quản lý một số lĩnh vực. Cần quy định rõ trách nhiệm của từng bộ. Thông thường, nhiều anh quán lý thì cũng phức tạp. Do đó, sửa đổi Luật lần này là cơ hội để chúng ta làm rõ việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, các lưu vực sông. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, lần sửa này phải có bước tiến trong quản lý nhà nước về các lưu vực sông”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phạm Thuý
#