Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2022:

Chậm, nợ văn bản - "chướng ngại vật" làm tắc con đường của chính sách đến với người dân

- Thứ Năm, 01/06/2023, 16:22 - Chia sẻ

Một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ việc ban hành các quy định, văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời, đầy đủ. Nêu vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần thực hiện nghiêm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Ban hành văn bản hướng dẫn còn tình trạng chậm, nợ đọng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, thảo luận tại Hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 chiều nay, 1.6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đánh giá cao kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thể hiện rõ nét sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Chậm, nợ văn bản -
Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Theo ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang), hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh cùng với đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế độ, định mức là thước đo và là cơ sở quan trọng nhất để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, năm 2022 được đánh giá là năm Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt việc này. 602 văn bản quy phạm pháp luật trong đó có nhiều văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được ban hành; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trên 2.600 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Tuy nhiên, điều cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội quan tâm là Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về tồn tại, hạn chế gây lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành các quy định pháp luật chưa kịp thời, đầy đủ, đại biểu Lý Thị Lan nêu vấn đề. Và, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công, triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quản lý, khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước…

Chậm, nợ văn bản -
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) nêu thực trạng, công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết tiếp tục còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa thực sự kịp thời. Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phần nào trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, thực thi chính sách cho các nhóm đối tượng nhất là những người có công với cách mạng, người yếu thế… Chưa kể đến việc, ở cấp cơ sở phải đối mặt với nhiều bất cập trong thực tiễn, khó trong bố trí nguồn lực để thực thi. “Có thể thấy, việc chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm tắc con đường chính sách của nhà nước đến với người dân, không chỉ là lãng phí mà còn là đạo đức chức nghiệp”, đại biểu nhấn mạnh.

Thực hiện nghiêm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Cũng cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu rõ, chậm giải quyết xử lý trong 12 dự án yếu kém; tồn dư ngân sách nhà nước lớn để trong ngân hàng mà không được sử dụng, quay vòng trong khi doanh nghiệp đang thiếu tiền, nhiều dự án đầu tư công thiếu vốn cũng là lãng phí. Đại biểu đề nghị cần có giải thích, làm rõ những vấn đề này và cho rằng cần phải sử dụng nguồn ngân sách tồn dư này trên cơ sở cân đối của Chính phủ.

Chậm, nợ văn bản -
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, thực tế vẫn còn tình trạng lãng phí trong phân bổ vốn đầu tư công và chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, còn lãng phí trong cải cách thủ tục hành chính...

Qua đó, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để nâng cao hơn nữa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khẩn trương, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các ý kiến, kiến nghị đã được nêu tại các báo cáo giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như kết quả thực hiện lời hứa của các “tư lệnh ngành”. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện nhanh các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản trị xã hội và tổ chức thực hiện một cách thực chất.

Minh Trang
#