ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC:

Cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải biết giữ danh dự

- Thứ Hai, 04/07/2022, 05:39 - Chia sẻ

Phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực… Đây là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đang rất được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, ủng hộ, đặt nhiều kỳ vọng.

Cần thiết xây dựng, ban hành luật đạo đức

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tại Hội nghị lần thứ tư vừa qua, cùng với việc khẳng định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, thì điểm mới lần này là Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải biết giữ danh dự -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Ảnh: Trí Dũng

Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào Dân, lắng nghe Dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; việc gì có lợi cho Dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho Dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cha ông ta đã dạy: "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài; có tài mà cậy chi tài; chữ "Tài" liền với chữ "Tai" một vần!". Tránh tình trạng: "Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người"; "Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!"; "Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới. Trong đó, Trung ương chỉ rõ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Và, “từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh.

Điều đó cho thấy tính chất cấp bách của vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và phòng, chống những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Khi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ít người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, buông lỏng kỷ luật và pháp luật, thì pháp quyền và đạo đức là hai trọng sự nóng bỏng hiện nay. Chỉ rõ thực tế này, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, TS. Nhị Lê thẳng thắn, điều nguy hại là những người vi phạm đạo đức không chỉ ở cấp thấp mà cả ở cấp cao, bất chấp nhân, lễ, liêm sỉ, có nguy cơ làm băng hoại đạo đức trong Đảng, vô hình hạ thấp quyền lực chính trị của Đảng, pháp quyền của Nhà nước, làm băng hoại quyền lực của nhân dân. Vì, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta “là đạo đức là văn minh”, “là đoàn kết thống nhất”. Và, vì, hiện nay hơn lúc nào hết, “chính trị là đức”, “chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”. “Thiếu các nhân tố này, tức thiếu đạo đức, theo TS. Nhị Lê, “sẽ cầm chắc sự thất bại một cách toàn diện từ chính trị tới kinh tế, xã hội và đất nước có nguy cơ thất bại trên trường quốc tế”. Nói cách khác, “sự thất bại về pháp luật, kỷ luật thì còn có thể sửa chữa được, nhưng sự thất bại về đạo đức, đạo lý, nguy cơ không còn chốn nương thân”, TS. Nhị Lê cảnh báo.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua đã đạt nhiều thành quả rất quan trọng, rõ rệt và toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Song thực tế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề phức tạp, gay go. Khẳng định thực tế này, trong tham luận trình bày tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nêu vấn đề, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng ta mà còn có sự tham gia của những đối tượng ngoài xã hội, không chỉ đấu tranh với những người khác, mà cả với chính mình, không ai nói trước được điều gì nếu không có ý thức giữ gìn và không biết sửa chữa sai phạm của mình. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, thì “cần thiết xây dựng và ban hành luật đạo đức để giáo dục cả cộng đồng xã hội, không chỉ bằng biện pháp nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên mà phải giáo dục để mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm tốt hơn", Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị.

Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống

Từ góc độ của địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu rõ, để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung thực hiện quán triệt đến người đứng đầu các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan nội chính về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đồng thời, tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên vào nền nếp, thường xuyên và thực chất, gắn với tiếp tục việc trình bày chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ của cán bộ, xem đây là cam kết chính trị đối với Đảng và nhân dân, là vinh dự của người cán bộ. "Chúng tôi thể hiện quan điểm dứt khoát rằng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải định vị lại bản thân một cách đầy đủ nhất về con đường mình đã chọn, từ đó tự quản bản thân, tự tu dưỡng theo tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đây chính nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo Người đứng đầu Đảng ta, thì giải pháp nêu trên là “nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng”. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất. Vì thế, phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực... tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Trong số các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu ra, đặc biệt nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải “trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”, tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã nhắc lại một câu nói đầy ấn tượng và rất sâu sắc của nhân vật Pavel Korchagin - nhân vật chính trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Nicolai Ostrovsky. Đó là, cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của Dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân.

Đây có thể coi như một trong những thông điệp nhất quán rất sâu sắc và rất nhân văn, nhân bản của Người đứng đầu Đảng ta với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chặng đường vừa qua cũng như trong thời gian tới. Thông điệp đó cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào"; "kỷ luật một vài người để cứu muôn người". 

Lam Giang