Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi):

Nơi nào có quản lý, nơi đó phải có thanh tra

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 05:31 - Chia sẻ

Tại phiên thảo luận tổ chiều 26.5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với sự cần thiết và quan điểm sửa đổi Luật Thanh tra, nhằm khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành. Một số ĐBQH đề nghị, nên duy trì việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo ba cấp hành chính hiện nay, với quan điểm "nơi nào có quản lý thì nơi đó phải có thanh tra".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long:
Phải có tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành 

Về Tổ chức thanh tra hành chính (khoản 2, Điều 27 dự thảo Luật), trong quá trình tổng kết thi hành Luật, lấy ý kiến tại các địa phương đã có ý kiến nhất quán là với thanh tra sở thì cần quy định đồng loạt. Lý do là với các sở thực hiện quản lý thì thanh tra là công cụ để thực hiện nên không thể quy định tùy theo tình hình địa phương có chỗ thành lập, chỗ không thành lập. Qua rà soát nhận thấy, những sở nào không có nhu cầu thành lập thì loại ra, quy định cụ thể ngay trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) các sở ngành được thành lập bộ phận thanh tra, để tránh trường hợp sau này khó cho Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, tránh tạo ra tình trạng thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, tỉnh thì có, tỉnh thì không, cuối cùng giao cho ai. Trong bối cảnh chúng ta đã giảm biên chế nếu không có công cụ quản lý thì sẽ khó khăn, thậm chí dễ dẫn đến buông lỏng quản lý. Trong khi đó, các vi phạm trong cuộc sống cũng sẽ càng ngày càng phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Ảnh: Hồ Long
Ảnh: H. Long

Việc thành lập thanh tra ở cơ quan chuyên môn của Chính phủ, các cơ quan khác (khoản 3, Điều 10 và Điều 115) có một số nội dung cần làm rõ. Thứ nhất, tại Điều 10, dự thảo Luật quy định cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan nhà nước khác để thực hiện thanh tra theo quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý. Ở quy định này chưa rõ cơ quan Nhà nước khác là cơ quan nào. Thứ hai, quy định thành lập cơ quan thanh tra chuyên môn theo yêu cầu quản lý là quy định có tính định tính lớn quá, sẽ vướng khi thực hiện. Một khi chúng ta đã thống nhất các cơ quan giao thẩm quyền quản lý thì phải tuân thủ nguyên tắc nơi nào có quản lý thì nơi đó phải có thanh tra. Thẩm quyền quản lý thường đi liền với thanh tra, nên ít nhất phải có các tiêu chí để thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, nếu không sau này sẽ khó.  

Một điểm khó trong quá trình thảo luận, soạn thảo dự án Luật này là khó rạch ròi giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tại dự thảo Luật bước đầu tại Điều 43 đã có phân biệt, nhưng cần gia cố thêm, đặc biệt quy định tại Chương 4 về hoạt động thanh tra để làm rõ tính khác biệt về tính chất, mục đích, đối tượng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động thanh tra và quy trình, thủ tục kèm theo. Đồng thời, cần làm rõ nội dung nào trong hoạt động thanh tra được thực hiện chung theo quy định của Luật Thanh tra. Ngoài ra, cũng cần xem xét lại tính hợp lý của quy định cùng một lúc giao Chính phủ và Bộ trưởng quy định hoạt động thanh tra phù hợp với hoạt động ngành, lĩnh vực. Chính phủ quy định đến hoạt động thanh tra chuyên ngành thì có thể thực hiện được ngay không, hay lại giao bộ trưởng đứng đầu ngành, lĩnh vực đó quy định cụ thể.  

ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang):|
Không nên bỏ cơ quan thanh tra cấp huyện

Cơ quan thanh tra cấp huyện là cơ quan thay mặt nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, sử dụng ngân sách; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật ở huyện, xã. Nếu không còn cơ quan thanh tra cấp huyện thì thanh tra tỉnh sẽ phải làm những công việc, nhiệm vụ mà thanh tra huyện đang làm. Với các tỉnh có địa bàn rộng, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, xã, chưa kể tới trong một huyện còn có rất nhiều đơn vị sử dụng ngân sách (cũng là đối tượng thanh tra); phương án bộ máy của thanh tra tỉnh sẽ được tổ chức thế nào về con người, biên chế, kinh phí… để bảo đảm hoạt động thanh tra ở cơ sở?

ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) - ảnh: Hồ Long
Ảnh: H. Long

Cũng cần khẳng định rằng nếu như những vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay từ cấp cơ sở sẽ không làm phát sinh bức xúc, vụ việc tồn đọng kéo dài, gây áp lực, gánh nặng lên cấp trên. Do vậy, nếu không tổ chức thanh tra cấp huyện thì e rằng sẽ có lỗ hổng từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh. Vì những lý do trên, đề nghị dự thảo Luật nên giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo 3 cấp hành chính hiện nay gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Không nên bỏ cơ quan thanh tra cấp huyện với lý do: ở đâu có cơ quan quản lý thì ở đó có thanh tra. Cùng với đó, nhằm khắc phục những hạn chế về cơ quan thanh tra cấp huyện được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra, cần có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả cho thanh tra cấp huyện.

ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên):
Tránh chồng chéo, trùng lặp

Có thể thấy dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được tiếp cận ở một góc độ tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn mội số nội dung cần được xem xét, chỉnh lý. Thứ nhất, về thành lập thanh tra cấp cục và tổng cục. Thực tế hiện nay nhiều Bộ có quy mô rất lớn, quản lý nhà nước phạm vi rộng cần có thanh tra của lĩnh vực chuyên ngành. Tuy nhiên, khi đã có thanh tra chuyên ngành rồi thì thanh tra bộ nên giảm bớt số lượng.

Nơi nào có quản lý, nơi đó phải có thanh tra -0
Ảnh: H. Long

Thứ hai, tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật quy định rất hay và đúng, đó là không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với kiểm toán nhà nước và các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát khác. Nhưng cũng cần xem xét nguyên tắc, trình tự ưu tiên cơ quan nào, và cơ quan nào chịu trách nhiệm rà soát, điều phối, điều chỉnh. Ngay cả cơ quan khác có kiểm tra, giám sát là những cơ quan nào cũng phải được quy định cụ thể hơn, tránh trường hợp vì không nêu rõ mà không có sự điều phối hợp lý. Do đó, Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, về tần suất thanh tra cũng cần nêu cụ thể tối đa và tối thiểu như thế nào để tránh sự chồng chéo, trùng lặp giữa các nội dung thanh tra và cơ quan thanh tra.

NHẬT AN - THỤY VŨ - LÊ BÌNH ghi