Thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):

Cụ thể hóa quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 05:37 - Chia sẻ

Cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ chiều qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, cần tiếp tục rà soát các chính sách để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác này, đặc biệt là cụ thể hóa quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường:
Phải quy được trách nhiệm khi kê đơn thuốc quá mức cần thiết

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - ảnh: Hồ Long
Ảnh: H. Long

Trong dự thảo Luật hiện chưa có quy định về bác sĩ gia đình, trong khi đây là xu hướng khám, chữa bệnh của các nước trên thế giới. Ở nước ta hiện nay đời sống đã khá lên và mô hình bác sĩ gia đình cũng khá phổ biến, tuy nhiên sửa đổi Luật lần này chưa có điều khoản nào quy định về vấn đề này. Năm 2014, Bộ Y tế đã có Thông tư số 16 hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình, từ đó đến nay cũng gần 10 năm. Vì vậy, có thể tổng kết, đánh giá để đưa vào Luật. Nếu không quản lý hoạt động này, đến khi phát sinh tranh chấp, hay những sự việc không mong muốn liên quan đến bác sĩ gia đình thì trách nhiệm xử lý như thế nào? Do đó, đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu thiết kế một điều khoản trong dự thảo Luật mang tính nguyên tắc, làm căn cứ pháp lý cho văn bản dưới luật quy định về loại hình khám chữa bệnh này.

Liên quan đến việc kê đơn thuốc được quy định tại Điều 6 dự thảo Luật (hành vi cấm) và Điều 61 dự thảo Luật (trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh và bác sĩ trong sử dụng thuốc trong điều trị) nhưng chưa thật rõ, chưa đủ để kiểm soát vấn đề này. Thực tế hiện nay có rất nhiều loại thuốc đặc trị, nhiều phác đồ điều trị và việc lựa chọn loại thuốc nào, phác đồ điều trị nào cho hiệu quả và có lợi nhất cho người bệnh chủ yếu phụ thuộc vào bác sĩ, người kê đơn thuốc. Tùy theo phác đồ điều trị, nếu bệnh ở mức độ thông thường thì dùng phác đồ điều trị thông thường, nhưng nếu bác sĩ chỉ định theo phác đồ điều trị cao hơn mức cần thiết sẽ gây tốn kém cho người bệnh hoặc dẫn đến câu chuyện nhờn thuốc. Đa số đội ngũ bác sĩ của chúng ta là tốt, nhưng cũng có bác sĩ kê đơn thuốc quá mức cần thiết để các nhà thuốc, hãng thuốc trục lợi. Vì vậy, quy định pháp luật phải đủ rõ để quy được trách nhiệm trong trường hợp kê thêm thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh quá mức cần thiết. Dự thảo Luật mới chỉ quy định hành vi bị cấm vì lý do trục lợi - bây giờ chứng minh thế nào là hành vi trục lợi? Rõ ràng theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng là một cách để hạn chế câu chuyện đưa những thuốc đặc trị, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cao hơn mức cần thiết.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh:
Quy định trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ khám bệnh, chữa bệnh

Cụ thể hóa quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” -0
Ảnh: H. Long

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được sửa đổi trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết khi chúng ta đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh và câu chuyện hành nghề y là đề tài nóng hổi. Do đó, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng được các yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, bảo đảm chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người bệnh cũng như tăng cường năng lực cho ngành y tế để ứng phó với mọi tình huống khi diễn biến của dịch bệnh khó lường, phức tạp.

Về trách nhiệm của cơ quan cấp phép cho cơ sở khám, chữa bệnh, trong Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám, chữa bệnh cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh. Đây là một trong những quan điểm khá mới được thiết kế lần này. Dự thảo Luật cũng đã quy định đến trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp phép cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu trong trường hợp cấp phép sai, cấp phép cho các chủ thể không đủ năng lực dẫn đến hậu quả thì trách nhiệm như thế nào? Do vậy, đề nghị dự thảo Luật phải bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép gắn với trách nhiệm giải trình và giám sát việc cấp phép, nhất là khi chúng ta đã mở rộng xã hội hóa về công tác khám chữa bệnh như quy định tại Điều 88 dự thảo Luật. Đồng thời cũng phải quy định cụ thể trách nhiệm y đức của các chủ cơ sở, phòng khám, chữa bệnh, nhất là phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Về mục tiêu chính sách quy định tại Điều 4 dự thảo Luật, Nghị quyết số 20/NQ-TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có xác định mục tiêu xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển nền y học khoa học dân tộc và đại chúng, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, thầy thuốc phải như mẹ hiền, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm và dịch vụ y tế. Theo thiết kế ở Điều 4 dự thảo Luật có quy định 6 chính sách của Nhà nước đối với khám, chữa bệnh. Nhưng nếu đối chiếu với mục tiêu vừa nêu thì dường như chưa thể chế được tinh thần của Nghị quyết 20 về xây dựng, phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, nền y học khoa học dân tộc và đại chúng, nghĩa là chưa thể nội luật hóa được quan điểm này, chưa thể hiện được cụ thể y tế công bằng là như thế nào, y học khoa học dân tộc đại chúng thể hiện ở chỗ nào? Nội dung còn mang dáng dấp đưa văn phong của Nghị quyết vào Luật, mang tính khẩu hiệu chứ chưa rõ tính lập pháp. Do đó, cần làm rõ hơn các nội dung này.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam):
Làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh

Cụ thể hóa quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” -0
Ảnh: Hồ Long

Dự án Luật là dự luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, do vậy cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần có sự chuẩn bị hồ sơ Luật thật chu đáo, đầy đủ, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng cao nhất. Tinh thần chung là phải rà soát lại toàn bộ các chính sách để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám chữa bệnh, cụ thể hóa quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”.

Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ các nguyên tắc về mua sắm, sử dụng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh; các quy định về khám, chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt đối với các nhóm bệnh đặc biệt như là Nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh - PV) để có tầm nhìn khái quát, có tính dài hạn. Làm rõ các nguyên tắc và tiêu chí chung về xác định chi phí khám, chữa bệnh, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội. Đánh giá sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Làm rõ các nội dung về vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh đồng bộ với Luật Giá và các văn bản liên quan. Làm rõ các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh và trong y tế dự phòng. Đặc biệt làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh.

THANH CHI - HOÀNG NGỌC - MINH TRANG ghi