Tiếp thu và giải trình đầy đủ, khách quan

- Thứ Hai, 13/03/2023, 06:50 - Chia sẻ

Tinh thần là phải cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến góp ý của Nhân dân, “gạn đục khơi trong”, không để bất cứ ý kiến nào của nhân dân không được giải trình, tiếp thu, cố gắng tổng hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây.

Việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật phải bảo đảm thực chất, có hiệu quả, tránh hình thức làm cho có là điều mà người đứng đầu Quốc hội đã nhiều lần nhấn mạnh khi đề cập đến việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đối với các dự án luật quan trọng, thường là những dự án thông qua theo quy trình 3 kỳ họp thì sau khi cho ý kiến tại kỳ họp đầu tiên, cơ quan trình sẽ phối hợp với các cơ quan để tiếp thu, chỉnh lý, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc lấy ý kiến nhân dân. Trước đây Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và gần đây nhất là Bộ luật Dân sự năm 2014 cũng tổ chức lấy ý kiến theo hình thức này. Từ những lần lấy ý kiến nhân dân tương tự trước đó, với dự thảo luật lần này, cơ quan soạn thảo có nhiều kinh nghiệm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân cũng như việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật.

Tính đến hôm nay, dù chưa hết thời gian để chạm “đích”, nhưng với con số gần 8.000 lượt ý kiến góp ý của 786 tổ chức, cá nhân đã đóng góp một cách khá toàn diện vào các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật như: thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về phát triển quỹ đất; về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về hộ gia đình sử dụng đất… cũng đủ thấy được sự quan tâm đặc biệt của người dân, các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến mức nào.

Theo Nghị quyết: 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 15.3 tới sẽ hết thời hạn lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật. Như vậy, thời gian lấy ý kiến đối với dự thảo Luật chỉ còn vỏn vẹn 2 ngày, thời gian góp ý kiến chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ. Mong rằng, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và các chủ thể có liên quan vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo luật một cách tâm huyết và có trách nhiệm.

Việc bảo đảm tiến độ thời gian lấy ý kiến nhân dân theo yêu cầu Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều mà những đối tượng được tham gia góp ý kiến mong muốn lúc này là những ý kiến đóng góp của mình được cơ quan soạn thảo lắng nghe, tiếp thu một cách toàn diện. Ý kiến góp ý trên cơ sở góc nhìn, xuất phát từ thực tiễn của từng đối tượng là những kênh thông tin hữu ích giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thêm “lăng kính” để soi chiếu vào từng vấn đề, từng điều khoản cụ thể của dự thảo Luật. Từ đó, nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn, nhằm bảo đảm tính khả thi, cũng như “tuổi thọ” lâu dài của luật.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân chỉ còn 2 ngày (15.3), và sau đó 10 ngày sau (25.3), các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đòi hỏi các địa phương, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải rất nỗ lực để bảo đảm yêu cầu về tiến độ.

Cần nhấn mạnh rằng, lấy ý kiến nhân dân là điều rất quan trọng, nhưng các ý kiến đã được đóng góp cần phải được cơ quan soạn thảo tổng hợp một cách đầy đủ, khách quan, không được tổng hợp trên cơ sở ý chí của cơ quan soạn thảo. Nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Sau khi lấy ý kiến nhân dân thì việc tổng hợp ý kiến, phân loại, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý là hết sức quan trọng, không được làm hình thức, làm cho có”.

Chỉ khi ý kiến của nhân dân được tổng hợp một cách đầy đủ, khách quan thì mới không “bỏ sót” việc giải trình, tiếp thu một cách thấu đáo đóng góp tâm huyết của nhân dân vào dự thảo luật. Đó cũng là cách để luật được thông qua bảo đảm chất lượng, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và sớm đi vào cuộc sống.

Song Hà