“Siết” trách nhiệm chậm giải ngân vốn đầu tư công

- Thứ Hai, 28/11/2022, 06:24 - Chia sẻ

Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết Về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công là thực trạng mà không ít bộ, ngành, địa phương đã và đang phải đối diện. Trong nhiều kỳ họp của Quốc hội, trong nhiều phiên họp của Chính phủ... tình trạng này đã được mổ xẻ nhưng dường như vẫn chưa giải quyết được rốt ráo nghịch lý “có tiền mà không tiêu được” này.

Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công một lần nữa được Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẳng thắn chỉ rõ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa có chuyển biến. So với năm 2021 - năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thì năm 2022, tỷ lệ giải ngân còn đạt thấp hơn. Tại một số bộ, ngành, địa phương tiến độ giải ngân rất chậm, đến hết 9 tháng năm 2022, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng nói là, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin trả lại vốn không có khả năng giải ngân. Kết quả này cho thấy, những giải pháp tổ chức thực hiện để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa mang lại hiệu quả cao, chưa tích cực so với các năm trước đây.

Thực tế cho thấy, cùng một khung khổ pháp luật, cùng các quy định về đầu tư công nhưng có tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân chiếm tỷ lệ cao, nhưng cùng thời điểm có tỉnh, thành phố tỷ lệ này lại rất thấp. Thậm chí có bộ, ngành, địa phương lại xin trả lại vốn do không có khả năng giải ngân. Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nguồn vốn được Quốc hội, Chính phủ “chắt chiu”, tính toán rất kỹ lưỡng cho từng khoản đầu tư để tạo đà phát triển kinh tế, xã hội, nhiều doanh nghiệp không dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh thì vẫn còn nguồn vốn đầu tư được giao nhưng lại chưa được giải ngân hoặc không thể giải ngân. Điều này không chỉ thể hiện kỷ luật, kỷ cương thực hiện ngân sách chưa nghiêm mà còn gây nên sự lãng phí không nhỏ.

Không khó để chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Những nguyên nhân “quen quen” được cho là do vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai, đấu thầu, xây dựng. Nguyên nhân này là đúng nhưng chưa đủ nếu chúng ta bỏ quên nguyên nhân chủ quan. Đó là do công tác chuẩn bị dự án còn kém chất lượng, phê duyệt dự án chưa bảo đảm quy định. Một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt mang tính hình thức để được ghi kế hoạch vốn, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA, dẫn đến kết quả giải ngân thấp. Tại nhiều địa phương lập kế hoạch nguồn thu từ đất cao, trong quá trình thực hiện chưa thực hiện được đấu giá đất, ảnh hưởng đến nguồn vốn thực hiện dự án và tỷ lệ giải ngân. Ngoài ra, do ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm. Việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh.  

Là người rất “sốt ruột” với tình trạng chậm giải ngân, trong nhiều cuộc làm việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhiều lần nhấn mạnh nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân. Và cách đây không lâu, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định...

Nghị quyết của Quốc hội đã giao nhiệm vụ rất rõ, đó là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn... Trên cơ sở Nghị quyết này, Chính phủ kiên quyết xử lý mạnh tay đối với cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng chậm trễ giải ngân đầu tư công. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công để bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Giải ngân đúng tiến độ là cần thiết nhưng phải hiệu quả, không vì tiến độ mà cố giải ngân bằng mọi giá.

Song Hà