Rõ cơ chế kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng đất đai

- Chủ Nhật, 05/03/2023, 05:55 - Chia sẻ

Chỉ còn 10 ngày nữa là thời hạn lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khép lại. Nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục được tiếp thu. Bên cạnh vấn đề tài chính giá đất, thu hồi đất, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có “lỗ hổng” pháp luật, sự buông lỏng quản lý đã làm cho đất đai luôn trở thành vấn đề “nóng”.

Nói đất đai là vấn đề “nóng” bởi đây cũng là một trong những lĩnh vực luôn đứng “đầu bảng” khi có tới 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai. Có những vụ việc liên quan đến thu hồi, bồi thường đất gây bức xúc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, những lỗ hổng pháp lý là điều mong muốn của cử tri, Nhân dân trong sửa đổi Luật lần này.

Dự thảo Luật tiếp tục thể hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để chính quyền địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, để công cụ kiểm soát quyền lực này thực sự phát huy hiệu quả dự thảo Luật cần được “gia cố” thêm.

Để tạo được sự đồng thuận, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, thì phải bảo đảm được tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai như: điều tra đánh giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi... đều phải có mặt của cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo hiến định. Dù dự thảo Luật đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, tuy nhiên các quy định chưa hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực một cách có hiệu quả, các quy định về vai trò của Mặt trận Tổ quốc chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Do đó, dự thảo Luật cần làm rõ hơn cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực trong các khâu của quản lý nhà nước về đất đai.

Ngoài ra, trong 3 cấp chính quyền địa phương thì cấp xã là cấp sát với người dân nhất, nhưng cả chế định về Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp xã đều chưa được đề cập trong dự thảo luật; vai trò của từng cấp chính quyền địa phương cũng chưa đủ rõ. “Khoảng trống” pháp lý này cần được bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm được vai trò của các chủ thể trong kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Thu hồi, bồi thường đất là một trong những vấn đề quan trọng trong sửa đổi Luật lần này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo nếu như cơ chế thu hồi không bảo đảm công khai, minh bạch và cơ chế đền bù không thỏa đáng. Do đó, để khắc phục tình trạng này, rất cần có sự tham gia của người dân bị thu hồi đất ngay từ giai đoạn ban đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường. Trong trường hợp tỷ lệ người dân không đồng tình cao thì phải giải trình, thay đổi phương án như thế nào cho phù hợp, do đó, cần có quy định cụ thể về vấn đề này trong dự thảo Luật.

Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã nêu rõ: hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Theo đó, cơ chế về kiểm soát quyền lực theo tinh thần nghị quyết cần được thể chế một cách đầy đủ trong sửa đổi Luật lần này để bảo đảm được sự công khai, minh bạch trong quá trình quản lý, sử dụng đất. Chỉ khi kiểm soát quyền lực được bảo đảm ở tất cả các khâu từ quy hoạch, thu hồi, đền bù thì mới bảo đảm được quyền lợi của Nhà nước, của doanh nghiệp và của chính người bị thu hồi đất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực, mất cán bộ từ đất, tránh phát sinh điểm “nóng” không đáng có.

Hà An