Phía sau niềm vui tăng trưởng

- Thứ Bảy, 01/10/2022, 05:28 - Chia sẻ

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế hôm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay ước đạt 8%, vượt mục tiêu đề ra  (6 - 6,5%).

Con số 8% mang đến niềm vui song không gây bất ngờ! Bởi trước đó một ngày, số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước ta đang phục hồi tích cực (trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái). Trong quý I và quý II, tốc độ tăng GDP lần lượt đạt 5,05% và 7,72%; đến quý III “vọt lên” 13,67%. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng kinh tế tăng 8,83% - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ và vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Với diễn biến này, tăng trưởng cả năm đạt 8% là chuyện gần như chắc chắn.

Niềm vui về thành tích tăng trưởng được “gia cố” thêm bằng nhiều số liệu. Số liệu cho thấy đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng thể hiện rõ nét ở cả 3 khu vực kinh tế. Cụ thể, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,04%). Công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%. Khu vực dịch vụ tăng 10,57%, (đóng góp 54,17%). Sự phục hồi và phát triển kinh tế giữa các vùng, miền và địa phương khá đồng đều.

Số liệu cũng cho thấy chúng ta đang giữ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Bất chấp bão lạm phát đang “nhấn chìm” nhiều nước trên thế giới, bình quân 9 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Tỷ giá VND/USD trong 9 tháng tăng khoảng 2,87% so với cuối năm 2021 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác mất giá mạnh.

Vậy nhưng niềm vui chưa trọn vẹn khi sự phục hồi chưa thực sự chắc chắn và những nút thắt của nền kinh tế chậm được gỡ bỏ. Doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao, thiếu hụt lao động cục bộ. Nông dân khốn khó vì giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao; nhiều bà con đã quyết định không tái đàn, tái vụ. Du lịch phục hồi nhanh nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế.

Đặc biệt, thực tế cho thấy, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo đang thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin…

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa chưa đồng bộ không chỉ tạo ra nhiều áp lực cho hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội mà còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tiểu đường, tim mạch...), tai nạn, thương tích ngày càng tăng, trong khi đó các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi vẫn đang ở mức cao. Dân số già hóa dẫn đến các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng lớn, phức tạp và chi phí y tế gia tăng…

Nhìn về tương lai, với mức độ hội nhập và độ mở của nền kinh tế lớn, dự báo kinh tế trong nước năm tới tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể đến biến động giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào dẫn đến áp lực lạm phát; rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; thiên tai, dịch bệnh luôn thường trực...

Vì vậy, đằng sau niềm vui về thành tích tăng trưởng, cần duy trì sự thận trọng, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế. Chỉ như vậy, chúng ta mới tiến xa hơn trong lộ trình tăng trưởng bền vững và tất cả người dân đều được hưởng lợi từ tăng trưởng.

Cẩm Phô