Phát triển xe điện không thể chậm trễ!

- Thứ Hai, 06/03/2023, 04:37 - Chia sẻ

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam nói chung và phát triển xe điện thân thiện với môi trường nói riêng luôn là nhiệm vụ quan trọng, kể cả khi chưa có lộ trình thực hiện cam kết COP26 đã được Đảng và Nhà nước vô cùng quan tâm. Tuy vậy, các chính sách hiện có dường như chưa đủ hấp dẫn để kích thích sự phát triển nhanh hơn của loại xe này.

Không phải đến COP26 mà gần 10 năm trước, chiến lược phát triển xe điện đã được đề cập trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 (Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16.7.2014) với nội dung: khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện... Hay, tại Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã đề ra nội dung thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Gần đây nhất, để phát triển nhanh xe điện, Thủ tướng ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22.7.2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Xe điện đang được phát triển mạnh mẽ nhất ở EU và Mỹ, nơi đã có các tiêu chí cụ thể về việc sử dụng loại xe này, đồng thời có chính sách “mạnh tay” là dừng sản xuất xe sử dụng động cơ xăng từ năm 2030. Ngay các nước ASEAN 6 cũng đã có những tiêu chí cụ thể cho xe điện. Ví dụ Singapore đến năm 2040 tất cả phương tiện đều sử dụng điện; đến năm 2030 Thái Lan sẽ có 30%, Malaysia có 15% ô tô là xe điện, Philippines có chương trình “e-trike” để khuyến khích sử dụng xe điện.

Không chỉ sử dụng, các nước có ngành sản xuất ô tô phát triển trong ASEAN đều có chiến lược cụ thể cho loại xe này. Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2035, 30% lượng xe sản xuất ra là xe điện. Thái Lan thậm chí đã xây dựng khu công nghiệp chuyên biệt cho những nhà sản xuất xe điện với các ưu đãi hấp dẫn.

Tuy vậy, để phát triển xe điện cần có các chính sách khuyến khích cụ thể và hấp dẫn hơn như: trợ giá và giảm các loại thuế nhập khẩu, thuế môi trường, phí đường bộ, phí đỗ xe, tín dụng ưu đãi… Các chính sách này đang được các nước phát triển như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Na Uy áp dụng. Giảm thuế và trợ giá có thể giúp giảm giá các sản phẩm xe điện từ 10% - 50%.

Theo tính toán của các chuyên gia, trước năm 2025, các nhà sản xuất xe điện chưa thể có được công nghệ sản xuất pin (bộ phận được cho là chiếm 55% giá trị xe điện) tối ưu nhất, do đó chi phí sản xuất và giá bán xe điện trung bình vẫn cao hơn 30 - 50% xe xăng cùng phân khúc. Tại Việt Nam, khi mà chính sách khuyến khích sử dụng xe điện hiện mới chỉ dừng ở giảm 12% thuế tiêu thụ đặc biệt và miễn phí thuế trước bạ thì kể cả khi các nhà sản xuất đã giảm được giá thành nhờ công nghệ pin mới sau năm 2025, giá xe điện vẫn cao hơn 15 - 20% xe xăng cùng phân khúc.

Trung Quốc hiện tại là nhà sản xuất xe điện lớn nhất và cũng là thị trường xe điện lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng trên 2 con số hàng năm. Các chính sách ưu đãi của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào việc khuyến khích sử dụng xe điện  như: giảm giá xe, tín dụng ưu đãi khi mua, miễn phí phí lưu thông trên cao tốc, giảm thời gian đăng ký xe. Cũng như đa số nước khác, việc được hưởng các gói tín dụng ưu đãi hay hỗ trợ chỉ dành cho xe sản xuất tại nội địa Trung Quốc.

Để xe điện có thể tiếp cận nhanh chóng với người dùng hơn, Việt Nam cần có thêm những chính sách trợ cấp, ưu đãi cho việc mua bán xe điện theo cả khu vực công cộng lẫn cá nhân. Việc này không chỉ giải quyết được bài toán thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường mà còn có thể kích cầu được sức mua bán trên thị trường. Việt Nam cũng cần nhìn vào thực tế khi ngày càng có nhiều quốc gia đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển xe điện không chỉ về sản xuất mà còn ở phương diện sử dụng bởi đây chắc chắn là phương thức giao thông của tương lai. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu đến năm 2050 sử dụng 100% xe điện tại Việt Nam và các cam kết tại COP26.

Lê Tuấn