Nỗi lo của Giám đốc Bệnh viện Việt Đức!

- Thứ Sáu, 24/03/2023, 06:24 - Chia sẻ

Trong một tọa đàm gần đây, GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ông mừng vì Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai có rất nhiều quy định gỡ khó cho ngành y. Tuy nhiên ông cũng lo lắng vì Luật có nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi hiệu lực thi hành của Luật bắt đầu từ 1.1.2024. Chỉ còn chưa đầy 10 tháng nữa, không biết những điều khoản đó có được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống hay không!

Lo lắng này có lẽ không phải của riêng Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mà của tất cả những người đang làm việc trong ngành y cũng như toàn xã hội! Luật Khám bệnh, chữa bệnh với nhiều quy định mới liên quan tới người hành nghề, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người dân, khắc phục bất cập về thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tạo “bệ đỡ” cho các bệnh viện công… được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới cho ngành y tế và mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Tuy nhiên, có khoảng 35 điều khoản trong Luật này Chính phủ phải quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Trong đó, nhiều nội dung mới và khó như khám bệnh, chữa bệnh từ xa; điều kiện áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; tự chủ trong bệnh viện công; xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh… Nếu các văn bản hướng dẫn không được ban hành kịp thời thì những ách tắc sẽ tiếp tục kéo dài, các quy định mới và tiến bộ chưa thể áp dụng ngay -  điều này vừa khó khăn cho các cơ sở y tế, vừa ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mới đây, Chính phủ đã phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh với thời hạn trình ban hành cụ thể. Theo đó, Bộ Y tế chủ trì xây dựng 3 văn bản, gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định của Thủ tướng về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia; Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Các văn bản này phải trình ban hành trước ngày 15.9.2023.

Cùng với đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh và cũng phải trình ban hành trước 15.9.2023. Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng 2 văn bản: Nghị định về khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, trình ban hành trước 15.9.2023; Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và việc khám sức khỏe đối với lực lượng quân đội nhân dân, trình ban hành trước 15.10.2023. Bộ Công an chủ trì xây dựng Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và việc khám sức khỏe đối với lực lượng công an nhân dân và trình ban hành trước 15.10.2023.

Như vậy, các bộ chỉ còn khoảng 6 tháng để hoàn thiện các dự thảo văn bản này. Đây là áp lực lớn nhưng các bộ, đặc biệt là Bộ Y tế, buộc phải vượt qua. Giờ là lúc phải dồn toàn lực xây dựng các văn bản hướng dẫn để ngay khi bước sang năm 2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thực thi ngay và thực chất.  

Tuy thời gian gấp rút song chất lượng văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Vì rằng nếu những văn bản này thiếu chất lượng thì khi triển khai Luật có thể sẽ sản sinh ra những hệ lụy không nhỏ cho ngành y tế, cho người dân và cho toàn xã hội.  

Hà Lan