Gỡ "điểm nghẽn" trong thu hồi tài sản tham nhũng

- Thứ Ba, 04/10/2022, 05:46 - Chia sẻ

Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra. Trong khi đó, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chưa cao. Đây là nhận định của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Thời gian qua, hàng loạt vụ án về tham nhũng, kinh tế đã được khởi tố, nhiều bị cáo đã được ra xét xử. Đáng nói là, trong số những bị can có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ… Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, đối với các vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân thụ lý điều tra, thiệt hại tài sản là hơn 2.791 tỷ đồng; đã thu hồi trên 2.204 tỷ đồng, kê biên 20 bất động sản các loại. Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, thiệt hại xác định trong kỳ là 824 tỷ đồng; thu hồi 815 tỷ đồng (bị can tự nguyện nộp khắc phục hậu quả), kê biên tài sản trị giá 68,8 tỷ đồng, 20 bất động sản các loại trị giá hàng trăm tỷ đồng. Có thể nói đây là kết quả thu hồi tài sản tham nhũng rất đáng ghi nhận ngay trong giai đoạn điều tra được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Tư pháp cũng nhận định, trong phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế nhất định. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chưa cao, nhất là đối với số phải thi hành về tiền. Kết quả công tác thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng cho thấy, tổng số tiền phải thi hành là 88.604,9 tỷ đồng; trong đó, số có điều kiện thi hành là 50.366,7 tỷ đồng; số chưa có điều kiện thi hành là 37.601,9 tỷ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong với số tiền gần 10.327,73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,51%.

Nhìn vào số liệu thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án cho thấy kết quả vẫn còn khiêm tốn. Liên quan đến vấn đề này, trên diễn đàn Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhận định, thu hồi tài sản tham nhũng những năm gần đây đã “làm tốt hơn, tích cực hơn”. Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận, so với yêu cầu vẫn chưa hài lòng vì rõ ràng “cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”.

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó, bởi đa số các đối tượng có hành vi tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu, tẩu tán tài sản. Tài sản xử lý để thu hồi trong các vụ án tham nhũng rất phức tạp như: tài sản đã bị tẩu tán ra nước ngoài, tài sản là các dự án bất động sản chưa hoàn thành về pháp lý, tài sản là cổ phần, cổ phiếu. Bên cạnh đó, dù có quyết tâm để thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát thì việc kê biên, thu hồi tài sản phải theo pháp luật. Trong khi, hệ thống pháp luật hiện hành không phải lúc nào cũng niêm phong, kê biên tài sản được. Một khó khăn khác nữa, đó là chúng ta vẫn đang có thói quen dùng tiền mặt, nên việc kiểm soát dòng tiền là một điều không dễ dàng. Đó là những "điểm nghẽn" dẫn đến việc thu hồi giữa "cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng".

Mục đích cuối cùng trong xử lý các vụ án tham nhũng là thu hồi nhiều nhất tài sản bị tham nhũng, thất thoát. Muốn vậy, cần có cơ chế để xác minh, làm rõ nguồn tài chính, nguồn tiền đi, đến, các tài sản của các đối tượng để khi khởi tố vụ án, bị can, số tài sản, nguồn tiền được phong tỏa, kê biên để bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước. Cùng với đó, phải tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, nên xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản, qua đó, kiểm soát tài sản của cá nhân trong toàn xã hội. Thực hiện được các giải pháp này, việc thu hồi tài sản tham nhũng nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án sẽ không còn là con số khiêm tốn.

Lê Hùng