Giám sát phải rõ được trách nhiệm giải trình

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 05:50 - Chia sẻ

“Giám sát của Quốc hội khác với các cơ quan chức năng khác, gắn rất chặt với trách nhiệm giải trình”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội vừa qua.

Đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình. Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: nói đến giám sát của Quốc hội, cuối cùng là nói đến trách nhiệm giải trình.

Với mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Qua đó, góp phần quan trọng kiểm soát quyền lực, bảo đảm việc tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ góc nhìn của người trực tiếp tham gia hoạt động giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh nhận định: nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành thay đổi tích cực ngay trong quá trình giám sát. Từ việc rà soát, đánh giá những mặt làm được, những mặt chưa làm được trong ban hành, cụ thể hóa cũng như tổ chức thực hiện chính sách pháp luật đến việc đánh giá đầy đủ hơn, rõ hơn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của cơ quan, đơn vị để từ đó kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay cả khi việc giám sát chưa kết thúc.

Một trong những hình thức giám sát của Quốc hội được cử tri và nhân dân rất quan tâm và mang lại hiệu quả tích cực đó là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Thời gian qua, nhiều nội dung được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội hay phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã mang đậm hơi thở cuộc sống. Đơn cử như chất vấn đối với lĩnh vực y tế, các vấn đề chất vấn xoay quanh công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiến lược vaccine trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Hay vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo như: chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, công tác dạy và học trực tuyến, giảm tải chương trình, bảo đảm công bằng trong dạy học… Đây là những vấn đề có tính thời sự, nổi cộm được cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm thời gian qua.

Với yêu cầu giám sát phải thiết thực, hiệu quả, phải làm đến nơi, đến chốn, có những kết luận rất rõ ràng, minh bạch, xác định được trách nhiệm, xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân, sau chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kịp thời các nghị quyết về hoạt động chất vấn với những yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan, tổ chức thực hiện. Các nghị quyết về chất vấn là căn cứ quan trọng để đánh giá, giám sát việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội và cử tri. Kết quả thực hiện Nghị quyết là căn cứ để “chấm điểm” tín nhiệm của “tư lệnh ngành”.

Trách nhiệm giải trình có ý nghĩa quan trọng, giúp người đứng đầu thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với những vấn đề đã được giám sát. Tuy vậy, qua giám sát cho thấy, trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu đối với tình hình và kết quả giám sát tuy đã được chú trọng hơn, nhưng nhìn chung cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, cùng với việc xác định nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm thì quá trình giám sát phải đề xuất được các giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách và bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức thực hiện. Với giám sát của Quốc hội, phải rõ được trách nhiệm giải trình của đối tượng chịu sự giám sát có thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay không? Quá trình thực hiện có điểm nào thực hiện tốt để lan tỏa, điểm nào còn tồn tại, hạn chế để khắc phục? Có như vậy mới nâng cao được sức mạnh của hoạt động giám sát. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “chúng ta đi giám sát mà cuối cùng nếu cứ nói chung chung thì không ai nghe cả; hoặc giám sát xong mà không biết người ta thực hiện hay không, thực hiện thế nào và trách nhiệm giải trình ra sao thì không ổn. Hiệu lực giám sát cuối cùng nằm ở khâu này”.

Lê Hùng