Để án hành chính không còn “điểm nghẽn”

- Thứ Năm, 09/03/2023, 06:40 - Chia sẻ

Ngày 20.3 tới đây, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát.

Người sẽ đăng đàn trả lời chất vấn chính là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình xoay quanh vấn đề giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến và giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng...

Ở vị trí “ghế nóng” lần này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí sẽ trả lời chất vấn về giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính…

Có thể nói, thời gian qua, lĩnh vực tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, chất lượng xét xử, nhiều vụ án hình sự được đưa ra xét xử bảo đảm tính nghiêm minh pháp luật, được cử tri, nhân dân và dư luận đánh giá cao, nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội giao.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình giải quyết các vụ án hành chính vẫn bộc lộ những hạn chế. Án hành chính vẫn là một “điểm nghẽn” là một thực tế đã tồn tại từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Thực trạng này một lần nữa cũng được Ủy ban Tư pháp chỉ ra qua giám sát chuyên đề năm 2022. Theo Ủy ban Tư pháp, một trong những khó khăn của công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính là tình trạng chủ tịch UBND, hoặc người đại diện không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa chiếm tỷ lệ lớn và kéo dài nhiều năm nay. Tại nhiều địa phương mặc dù số lượng án không nhiều, nhưng chủ tịch UBND, hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt; nhiều trường hợp vắng mặt nhưng không có đơn xin phép dẫn đến tòa án phải hoãn phiên tòa, gây lãng phí về thời gian, công sức, kinh phí cho cả Nhà nước và đương sự. Điều đáng nói, tồn tại khá phổ biến việc UBND, chủ tịch UBND không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp không đúng thời hạn theo quy định của luật, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho người dân khởi kiện. Ngoài ra, không ít trường hợp, tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án do chủ tịch UBND và UBND không tự nguyện thi hành án.

Người bị khởi kiện, người buộc phải thi hành án hành chính thường là chủ tịch UBND, UBND, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước… Đây là những chủ thể hiểu biết pháp luật. Việc không ra tòa, không thi hành bản án hành chính là hành vi coi thường pháp luật. Điều này cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm. Điều đáng nói là, thực trạng này được đề cập đến nhiều, Ủy ban Tư pháp cũng đã từng kiến nghị Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác thi hành án hành chính nhưng cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Khoảng trống trách nhiệm này vô hình trung đã tạo kẽ hở cho các đối tượng “nhờn” luật.

Việc không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước và cũng là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, phát sinh đơn thư khiếu nại. Do đó, cần có chế tài nghiêm đối với các trường hợp vi phạm này.

“Chia lửa” cùng "tư lệnh" ngành tòa án và kiểm sát trong phiên chất vấn lần này còn có Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Tổng Thanh tra Chính phủ. Mong rằng, tại phiên chất vấn lần này, những vướng mắc, những “điểm nghẽn” trong quá trình giải quyết, thi hành án hành chính sẽ được các "tư lệnh" trả lời một cách thấu đáo, cùng với đó là giải pháp, chế tài hữu hiệu để thực hiện.

Song Hà