Công nhân trong làn sóng mất việc

- Thứ Năm, 01/12/2022, 05:34 - Chia sẻ

Những ngày này Đắk Lắk và khắp Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê, ngô (bắp), sắn… Nếu mọi năm, nhiều hộ trồng cà phê phải chạy đôn chạy đáo, gọi điện khắp nơi vẫn không tìm được nhân công thu hái thì năm nay việc kiếm người “dễ thở” hơn nhiều. Lý do là nhiều công nhân bị mất việc đã trở về quê và sẵn sàng đi hái cà phê, trảy bắp để có thêm thu nhập.

Sẽ có thêm nhiều công nhân bị ảnh hưởng đến việc làm trong thời gian tới
Nhiều công nhân sẽ bị mất việc do doanh nghiệp tuyên bố giải thể, không có đơn hàng để sản xuất. Ảnh: Tường Minh (Nguồn:laodong.vn)

Đây chỉ là một lát cắt trong làn sóng mất việc của hàng trăm nghìn công nhân do các doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất vì không có đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao những tháng gần đây. Theo số liệu mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có khoảng 472,2 nghìn lao động trong các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… bị ảnh hưởng tới việc làm. Cụ thể, có 41,5 nghìn người bị thôi việc, mất việc (chiếm 8,8%); 430,6 nghìn người bị giảm giờ làm (chiếm 91,2%). Đặc biệt, trong số đó có hơn 9.441 lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và hơn 30,2 nghìn lao động nữ từ 35 tuổi trở lên. Những thống kê này chỉ tính số lao động có hợp đồng, nếu tính cả số lao động không có giao kết hợp đồng thì con số chắc chắn còn lớn hơn!

Cũng theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong số 1.230 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, có 30 doanh nghiệp nợ lương của gần 7 nghìn lao động với tổng số tiền 110 tỷ đồng; có 121 doanh nghiệp nợ gần 238 tỷ đồng bảo hiểm xã hội của 32,3 nghìn lao động.

Bức tranh thị trường lao động khả năng sẽ còn u ám hơn nữa! Tổng hợp từ công đoàn cơ sở cho thấy trong tháng 12 này và những tháng đầu năm 2023, có 667 doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm giờ làm của 271,7 nghìn lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15,7 nghìn lao động. Kéo theo đó, tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và cả việc lợi dụng tình hình sa thải lao động trên 35 tuổi (để tuyển dụng lao động trẻ với chi phí thấp) sẽ phức tạp hơn.

Đời sống của công nhân vốn đã nhiều khó khăn sẽ càng khó khăn hơn! Hơn lúc nào hết, họ cần được trợ giúp nhanh chóng và thiết thực để vượt qua tình cảnh hiện tại. Đã có nhiều đề xuất được cơ quan chức năng đưa ra. Ví dụ, trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - đang kết dư hơn 55,7 nghìn tỷ đồng - giúp doanh nghiệp giữ chân, giữ việc cho người lao động cho tới khi có đơn hàng trở lại. Hoặc xem xét gia hạn gói hỗ trợ an sinh 26 nghìn tỷ đồng cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bởi nhiều chính sách trong gói này vẫn phù hợp và có thể triển khai ngay nếu được kéo dài. Cũng có thể hỗ trợ gián tiếp người lao động thông qua doanh nghiệp bằng cách nới room tín dụng, nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm… nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn, bớt phần nào chi phí đầu vào để xoay xở làm ăn, giữ việc cho công nhân.

Chưa đầy hai tháng nữa là tới Tết Nguyên đán và dự báo sau Tết tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Quyết sách hỗ trợ lúc này không chỉ cần nhanh, sớm mà còn cần thông thoáng về thủ tục để đến ngay được với người lao động; đồng thời dành sự quan tâm nhiều hơn cho những lao động không được ký kết hợp đồng!     

Hà Lan