Cơ hội đi kèm thách thức

- Thứ Tư, 30/11/2022, 05:47 - Chia sẻ

Phòng vệ thương mại là công cụ tất yếu trong tiến trình hội nhập, phát triển của các doanh nghiệp khi mở rộng thị trường hoặc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Bởi vậy, doanh nghiệp phải nhận thức rõ, chuẩn bị kỹ mọi nguồn lực để đối phó với các nguy cơ và có biện pháp, chiến lược phát triển bền vững để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.

Nước ta đã tham gia, ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) là 3 FTA thế hệ mới với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại. Các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới hầu hết đều có điều khoản về phòng vệ thương mại, có mục tiêu xóa bỏ rào cản về thuế đối với thương mại nhưng lại không cản trở quyền của các thành viên tham gia FTA trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thực tế, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại những năm gần đây luôn trong xu hướng gia tăng. Cụ thể, tính đến hết quý I.2022, hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Điều đáng lo ngại hơn, như nhận định của đại diện một hiệp hội thì xu hướng này rất rõ ràng và có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia, thị trường hay mặt hàng nào.

Ví dụ như với thị trường các nước thành viên CPTPP, theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương Chu Thắng Trung, Hiệp định CTPP mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và kinh tế nước ta nhưng đồng thời cũng có những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại. Và khi bị điều tra, cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để việc bị áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu.

Một chuyên gia khác thì cho rằng, CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là những ưu đãi về thuế quan. Dù vậy, CPTPP cũng có nhiều thách thức khiến hàng hóa của nước ta có thể phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, việc nắm vững kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại là cần thiết nhằm hỗ trợ, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp.

Khi năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng phát triển, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết trong các FTA, các mặt hàng xuất khẩu của nước ta phải đối diện với nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều hơn. Hiện tượng lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu cũng ngày càng gia tăng. Cho nên, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, việc chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước là điều cần thiết.

Để làm được điều này, ngoài việc các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp chủ động nâng cấp hệ thống truy xuất, quản lý; đầu tư hệ thống quản lý chất lượng; nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường; phát triển các chuỗi giá trị, chủ động nguồn nguyên liệu... rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Bởi công cụ phòng vệ thương mại nếu được áp dụng hợp lý sẽ là “tấm khiên” để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ninh Hà