Chống tham nhũng, dưới đã “nóng”!

- Thứ Bảy, 14/01/2023, 06:14 - Chia sẻ

Trong rất nhiều “điểm sáng” được nêu ra tại Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, có một kết quả rất đáng lưu ý, trong năm 2022, các địa phương trên cả nước đã phát hiện, khởi tố 453 vụ án tham nhũng, tăng 1,5 lần so với năm 2021. Con số này cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến rất tích cực từ địa phương, trên “nóng”, dưới cũng đã “nóng”.

Nhìn lại quá trình phòng, chống tham nhũng thời gian trước đây cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng ở trên dù đã “nóng” nhưng ở một số địa phương vẫn chưa vào cuộc tích cực. Đã từng có địa phương, qua công tác kiểm tra nội bộ cả năm, thậm chí có địa phương qua 10 năm “chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào”. Chúng ta không quá ngạc nhiên với kết quả này. Bởi trong một số báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đã nhận định, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu, chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.

Đáng nói là, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra vào cuộc thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.

Tuy vậy, khác với nhiều năm trước, trong năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nhận định là “có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn”. Cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng, tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án. Đặc biệt, với việc thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII, các tỉnh ủy, thành ủy đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở có chuyến biến rõ rệt. Nhiều địa phương đã khởi tố vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Chỉ tính liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đến nay đã có 24 địa phương đã khởi tố 27 vụ án/68 bị can.

Nhìn vào số lượng vụ án tham nhũng khởi tố tăng thể hiện sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Điều đó cho thấy, quyết tâm phòng, chống tham nhũng được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương với tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được kiện toàn gồm: Trưởng ban là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Các Phó Trưởng ban là: Phó Bí thư Thường trực; Trưởng ban nội chính; Trưởng ban tổ chức; Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy và Giám đốc công an tỉnh, thành phố, ngoài ra còn có Ủy viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có quyền yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, chỉ đạo về chủ trương, định hướng xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương...

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, cùng với kiện toàn bộ máy của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố, tin rằng, công cuộc đấu tranh với tham nhũng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Lê Hùng
#