Bảo vệ cán bộ bằng thành trì luật pháp

- Chủ Nhật, 26/03/2023, 05:45 - Chia sẻ

Thể chế hóa chủ trương tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Nội vụ! Bởi lẽ, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị có ý nghĩa mở đường, đồng thời là nền tảng tư tưởng để thiết kế hành lang pháp lý khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá; tuy nhiên về mặt kỹ thuật lập pháp, thể chế hóa văn bản này không phải việc dễ dàng.

Trong nỗ lực thực hiện một nhiệm vụ khó và có tính chính trị cao như vậy, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định gồm 15 điều, quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, trình tự thực hiện và cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Theo đó, khuyến khích mọi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Cán bộ có ý tưởng, cách làm mới tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì được khuyến khích và bảo vệ nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.

Cũng theo dự thảo Nghị định, trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không đạt, hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật nếu thuộc 1 trong 7 tình huống.

Đó là (1) cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự; (2) cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; (3) cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại; (4) cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất; (5) cán bộ thực hiện đề xuất chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền; (6) cán bộ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt; (7) cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo để lắng nghe góp ý của các địa phương - đây là cơ sở quan trọng để dự thảo Nghị định có được chất lượng cao nhất và sớm đi vào cuộc sống để khơi dậy tinh thần đổi mới và khát vọng cống hiến, hết lòng vì nước vì dân của mọi cán bộ. Điều này rất quan trọng, bởi thực tiễn của hơn 35 năm Đổi Mới và hội nhập cho thấy, cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Gần 60 năm trước, nếu ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, không “cố ý làm trái” thì nền nông nghiệp của Việt Nam đã không được cởi trói sớm như vậy! 

Cùng với việc hoàn thiện Nghị định này, để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ và dám làm một cách thực chất thì Nhà nước phải tháo bỏ những mối lo sợ luôn đè nặng trong tâm trí cán bộ bằng sự rõ ràng, tường minh và không thể diễn giải khác của các quy định pháp luật. Theo đó, phải kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định trong từng lĩnh vực để vừa bịt lỗ hổng quản lý, tạo điều kiện cho phát triển, vừa để người thực hiện nhiệm vụ an tâm và phục vụ nhân dân tốt hơn. Kết luận số 14 của Bộ Chính trị chính là nền tảng tư tưởng để tiến tới sửa đổi các quy định pháp luật và cách diễn giải luật của cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ các cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng thành trì luật pháp.

Hà Lan