Chính sách thích ứng với Covid

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 05:41 - Chia sẻ

Trong chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Hai này, Quốc hội dành thời gian thảo luận về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Là nội dung được cử tri và dư luận rất quan tâm, đây là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá lại một cách toàn diện về công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Từ đó, đề xuất đưa ra các giải pháp, hoàn thiện khung khổ pháp lý để thích ứng với dịch trong tình trạng bình thường mới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15. Với các chính sách chưa có tiền lệ, Nghị quyết số 30/2021/QH15 thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Quốc hội cùng với Chính phủ trong phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống, được cử tri và dư luận đánh giá cao. Đây cũng là sở pháp lý rất quan trọng để cho Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách chủ động, linh hoạt.

Tính từ khi Nghị quyết số 30/2021/QH15 được ban hành đến nay, dù mới chỉ 3 tháng, nhưng đã có hàng loạt văn bản pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương ban hành để cụ thể hóa, đưa ra các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, theo đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã khẩn trương ban hành 7 văn bản để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Đây là kết quả làm việc "không kể ngày đêm" của các cơ quan của Quốc hội, của UBTVQH để hoàn thiện khung khổ pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống dịch.

Triển khai các chính sách nêu trong nghị quyết Quốc hội, của UBTVQH, Chính phủ đã ban hành 13 nghị quyết, Thủ tướng đã ban hành 110 văn bản để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống dịch bệnh là nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội là một bước chuyển rất quan trọng trong phòng, chống dịch. Văn bản này được đánh giá là kết quả bước đầu của quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm linh hoạt, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, trong Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung. Tiếc rằng cho đến thời điểm này, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống Covid-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan. Ngoài ra, việc khuyết thiếu văn bản quy định cụ thể hóa một số quy định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết... đã tạo nên sự thiếu thống nhất, đồng bộ khi triển khai biện pháp phòng, chống dịch.

Có thể thấy, với việc vào cuộc từ rất sớm, Quốc hội, UBTVQH đã kịp thời ban hành các văn bản pháp luật tạo khung khổ pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách chủ động. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, đặc biệt là để thích ứng với giai đoạn bình thường mới, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để có kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, báo cáo Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, các cơ chế, chính sách đề xuất phải được đánh giá tác động một cách thận trọng từ thực tiễn. Các chính sách phải đơn giản hóa thủ tục theo hướng tinh giản, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và hưởng lợi.

Lê Hùng