Chính sách hỗ trợ đúng trọng tâm, đúng đối tượng

- Thứ Hai, 10/01/2022, 09:12 - Chia sẻ
Một trong các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ trình Quốc hội đó là miễn giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 64 nghìn tỷ đồng trong năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây là chính sách được các đối tượng thụ hưởng rất chờ đợi để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức 10% (còn 8%) trong năm 2022. Cùng với đó, hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngành, lĩnh vực hỗ trợ gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phần mềm; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở xã hội tại khu công nghiệp; chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...

 Quốc hội thảo luận trực tuyến về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH

Cơ bản đồng tình với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT); thuế bảo vệ môi trường và một số loại thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhưng Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho rằng, số liệu tính toán của gói hỗ trợ thuế, phí 64 nghìn tỷ đồng cần được điều chỉnh lại để loại trừ số liệu liên quan đến những chính sách giảm thuế, phí nhưng không làm giảm thu NSNN như lệ phí trước bạ đối với ôtô.

Ngoài ra, đa số ý kiến thống nhất mức giảm thuế GTGT 2% áp dụng năm 2022 đối với các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa. 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tiếp tục miễn giảm thuế, lệ phí là cần thiết, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm cho lao động, kích thích nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, để ổn định cho các doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này cần làm rõ cho đối tượng, doanh nghiệp nào, trong đó có doanh nghiệp FDI hay không?

“Chỉ tập trung cho doanh nghiệp có nhiều lao động, hợp tác xã, các doanh nghiệp có sức lan tỏa rộng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh” – ông Hòa đề nghị.

ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Trong khi đó, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, với gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gần 40 nghìn tỷ đồng cần phải có trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ vào một số lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch như: lĩnh vực du lịch, lĩnh vực vận tải mà đặc biệt là vận tải hành khách, nhất là ngành hàng không hay là dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, việc làm.

Việc giảm thuế đương nhiên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng trong tương lai nhờ chính sách giảm thuế sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, từ đó mang lại nguồn thu bền vững hơn.

Có thể nói, gói phục hồi, phát triển kinh tế 346 nghìn tỷ đồng đủ lớn để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, định hướng dòng tiền vào đâu chính là thách thức lớn nhất vào lúc này.  

Trong điều kiện ngân sách còn khiêm tốn, dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn, đặc biệt quan tâm những doanh nghiệp lớn, có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Ảnh: Quang Khánh

Để có được gói chính sách này, chúng ta đã phải chấp nhận bội chi. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải lựa chọn đối tượng, tiêu chí để “rót” vốn cho phù hợp, hiệu quả. Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cần tập trung vào 2 lĩnh vực: một là, những ngành, nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh; hai là, những ngành, nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất.

Phát biểu tại tổ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chiều 4,1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, rủi ro chính sách là có, do đó, phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan tỏa cao. 

“Chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Để phát huy hiệu quả của gói chính sách, ngoài việc lựa chọn đúng, trúng đối tượng, cần phải tổ chức thực hiện chính sách thật minh bạch. Muốn vậy, tăng cường sự kiểm soát, chống tiêu cực, trục lợi chính sách để đồng tiền không bị đi chệch hướng. Có như vậy, mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn, mới phục hồi kinh tế bền vững nhất.

 

Song Hà