Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi):

Chính sách cần cụ thể và thật sự đột phá

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 05:55 - Chia sẻ
Thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong phiên họp chiều qua, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo hướng: điện ảnh không chỉ là một ngành văn hóa - nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Các đại biểu cũng đề nghị, các chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh cần cụ thể hơn, bảo đảm tính đột phá.

Chính sách còn chung chung

Thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn và thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã sửa đổi toàn diện. Trong đó, quy định 4 nhóm chính sách: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá, dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm định hướng phát triển điện ảnh dựa trên 4 trụ cột: Sáng tạo; sản xuất tác phẩm; phát hành, phổ biến phim và bảo vệ tác quyền bản quyền tác giả, tác phẩm. Đặc biệt, lần đầu tiên, dự thảo Luật có chính sách phát triển nền công nghiệp điện ảnh, trong đó có đề cập đến thị trường điện ảnh. Để tạo điều kiện cho điện ảnh Việt Nam phát triển trong một thị trường cạnh tranh, minh bạch, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh nội phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đại biểu ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đề nghị, bên cạnh các cơ chế ưu đãi về thuế, đầu tư, dự thảo Luật cần quan tâm đến cơ chế Nhà nước đặt hàng, thu mua, đưa phim đến khán giả. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim đầu tiên do Nhà nước đặt hàng, do hãng phim tư nhân góp vốn sản xuất, lập kỷ lục doanh thu 80 tỷ đồng trong vòng một tháng là minh chứng về tiềm năng phát triển công nghiệp điện ảnh của nước ta.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh - mong muốn và kỳ vọng là vậy, nhưng các đại biểu cũng chỉ rõ, một số quy định chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa bảo đảm tính đột phá. Đơn cử, dự thảo Luật bổ sung các cơ chế, ưu đãi khuyến khích sản xuất phim trong nước và ưu đãi đối với đoàn phim nước ngoài sử dụng dịch vụ làm phim. Trong đó, khoản 2, Điều 42 giao Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể chính sách giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam đối với các đoàn làm phim nước ngoài sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn kèm theo dự thảo Luật lại chưa quy định cụ thể nội dung này. Tương tự, quy định tại Điều 5 dự thảo Luật nêu: "Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh" cũng chung chung mà không có hướng dẫn cụ thể, không có giá trị khuyến khích các hoạt động làm phim ở Việt Nam. Chỉ ra vấn đề này, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhấn mạnh, các chính sách đột phá nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim cũng như thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam cần thể hiện rõ mức độ ưu đãi ra sao, hấp dẫn thế nào, thủ tục có bảo đảm minh bạch, tạo thuận lợi, nhanh chóng hay không? Để đưa ra được các chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp, có tính khả thi cao, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần thu thập thông tin, phân tích các số liệu thống kê để đưa ra các quy định cụ thể về chính sách ưu đãi cho sản xuất phim, cả về nội dung chính sách và thủ tục hành chính.

ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị, cần cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ phát triển điện ảnh để việc thực hiện có hiệu quả trên thực tế như hỗ trợ sản xuất, phát hành, phổ biến phim, góp phần giới thiệu văn hóa đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời làm rõ chính sách, cơ chế gắn liền với hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ phát hành, phổ biến phim để làm cơ sở thống nhất trong quá trình thực hiện.

Cởi mở để phát huy sáng tạo

Chính sách của Nhà nước cần có tính khai phóng, cởi mở để phát huy sáng tạo, tạo động lực cho điện ảnh Việt Nam phát triển. Tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu vấn đề, một trong những chính sách tài chính quan trọng của Chính phủ nước này nhằm hỗ trợ phát triển điện ảnh là chuyển hướng từ tài trợ cho “bên cung” sang tài trợ cho “bên cầu”, tức là quan tâm nhiều hơn đến khán giả - đối tượng hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh. Các tác phẩm điện ảnh cần đạt được sự cân bằng giữa sáng tạo, truyền bá văn hóa và hưởng thụ các giá trị văn hóa - nghệ thuật. Khán giả là động lực quan trọng của văn hóa - nghệ thuật, thậm chí là định hướng cho điện ảnh phát triển. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị, cần thay đổi cơ chế quản lý theo hướng Chính phủ ra quyết định và quản lý, ban hành các chính sách có tính áp đặt “từ trên xuống” sang Chính phủ hợp tác với tư nhân, các nhà nghiên cứu… để các chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, của từng người dân.

ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh

Kinh nghiệm các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển trên thế giới cũng cho thấy, công cụ hiệu quả nhằm khuyến khích sản xuất phim trong nước, thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến làm phim tại quốc gia hoặc tại địa phương là các cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam (Điều 42 dự thảo Luật). Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, dự thảo Luật cần quan tâm hơn tới cơ chế, chính sách ưu đãi nêu trên vì điều này sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, các ngành dịch vụ có liên quan, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu thực tế, trong quy trình làm phim hiện đại, nhiều đạo diễn, nhà làm phim vừa sản xuất phim, vừa sáng tạo ngẫu hứng trên bối cảnh thực địa. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định nhà sản xuất phim nước ngoài phải cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tại điểm b, khoản 2, Điều 14 dự thảo Luật và chỉ nên quy định cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ (điểm c, khoản 1, Điều 28 dự thảo Luật).

ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) đề nghị, các quy định về chính sách phát triển điện ảnh nên tập trung vào các nhóm chính sách về tài chính; thúc đẩy phát hành, phổ biến và quảng bá phim thông qua quy định về tăng tỷ lệ chiếu phim Việt Nam tại rạp chiếu phim, nơi chiếu phim công cộng và trên không gian mạng, đáp ứng xu hướng giải trí trực tuyến hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách về thuế, tín dụng, bảo hiểm đối với sản phẩm điện ảnh.

Nhà nước tạo hành lang pháp lý và cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp điện ảnh. Nhấn mạnh và đề nghị quan điểm này cần được thể hiện xuyên suốt trong dự thảo Luật, các ĐBQH cũng nêu rõ, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển điện ảnh cần có trọng tâm, trọng điểm nhằm bảo đảm hiệu quả. Đồng thời, có giải pháp ràng buộc pháp lý để bảo đảm tính khả thi khi triển khai các chính sách trong thực tiễn.

Chính sách dù hay đến đâu, nhưng nếu không cụ thể và không bảo đảm tính khả thi thì sẽ khó đi vào cuộc sống. Vì thế, các đại biểu có cơ sở lý luận và thực tiễn khi đề nghị, các quy định về chính sách của Nhà nước với phát triển điện ảnh trong dự thảo cần cụ thể và khả thi. Từ đó, hoàn thiện hành lang pháp lý thực sự đột phá để thúc đẩy phát triển điện ảnh nước nhà không chỉ là một ngành văn hóa - nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp có hiệu quả kinh tế - xã hội cao như mục tiêu và kỳ vọng đặt ra với việc sửa đổi Luật lần này. 

Nhật An