Chính phủ giao 7 nhiệm vụ để Cần Thơ là đô thị hạt nhân của đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Ba, 31/08/2021, 09:12 - Chia sẻ
Ngày 30.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc xây dựng và ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 59 để khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của TP. Cần Thơ.
Xây dựng thành phố Cần Thơ thành thành phố động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Xây dựng đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và thành phố Cần Thơ chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp tại nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết 59.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác quy hoạch và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm để phát huy vai trò là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước (điều chỉnh quy hoạch chung thành phố theo hướng đô thị sinh thái, văn minh và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL; phát triển các đô thị vệ tinh tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai…).

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối. Trong đó tập trung nguồn lực để nghiên cứu, thực hiện hoàn thành các dự án trọng điểm kết nối vùng và liên vùng như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Cần Thơ 2; nâng cấp Viện Lúa ĐBSCL thành Trung tâm Nghiên cứu giống lúa, phấn đấu đạt trình độ các nước khu vực ASEAN….

Thứ tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế (tập trung nguồn vốn ngân sách cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, kết nối với cảng biển, cảng hàng không và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao).

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ, các lĩnh vực xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh; khẳng định vị thế là trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL; thực hiện tốt công tác tôn giáo, dân tộc.

Thứ sáu, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Thứ bảy, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng gắn liền với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu cho Cần Thơ. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt mức 7,5 - 8%/năm. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 6.200 - 6.800 USD. Tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 0,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80 - 85%. Giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt mức 7 – 7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP/người đạt 9.400 - 11.000 USD. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 90% và cơ bản không còn hộ nghèo.

Đô thi sông nước văn minh, hiện đại

Phát triển giao thông, kết nối liên vùng

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đặt ra các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho Cần Thơ và cả khu vực miền Tây Nam bộ, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng.

Trong chương trình hành động, Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành các dự án trọng điểm kết nối nội vùng ĐBSCL và liên vùng như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, các tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Cần Thơ 2.

Đặc biệt là nghiên cứu việc triển khai tuyến đường sắt kết nối TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ và Cà Mau. Từng bước hoàn chỉnh các tuyến giao thông trọng điểm của thành phố như đường vành đai phía tây TP.Cần Thơ kết nối Quốc 91 và Quốc lộ 61C; Tuyến đường nối Quốc lộ 91 với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn Trà Nóc - Bình Thủy, TP. Cần Thơ) và tuyến đường nối TP. Vị Thanh (Hậu Giang) và TP. Cần Thơ (Quốc lộ 61C).

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển giao thông đường thủy, hàng không ở Cần Thơ và ĐBSCL.

Cụ thể là đặt mục tiêu hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, đáp ứng cho tàu có tải trọng từ 10.000 tấn đầu tải, 20.000 tấn giảm tải vào các cảng của TP. Cần Thơ; hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo; nghiên cứu tình hình sạt lở, lưu lượng nước lũ và xâm nhập mặn trên sông Hậu trong quá trình nghiên cứu tổng thể tình hình của vùng và triển khai nạo vét, cải tạo kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu, triển khai dự án phát triển các hành lang vận tải đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

Bện cạnh đó là tiếp tục đầu tư phát triển Cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế có thế tiếp nhận được tàu trọng tải lớn, phù hợp với tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu; nghiên cứu nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vũ Châu