Chiến lược cho cả y tế và kinh tế

- Chủ Nhật, 16/08/2020, 05:54 - Chia sẻ
“Phòng trọ được phát thẻ đi chợ nhưng không có tiền nên chúng tôi cũng chưa sử dụng đến thẻ” - Bà Oanh (53 tuổi, quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An) cho biết. Bà Oanh cũng như nhiều người lao động tự do từ các địa phương đến Đà Nẵng mưu sinh, bất ngờ bị mắc kẹt giữa tâm dịch Covid-19, không có tiền, không có việc làm, bữa cơm trông chờ cả vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, hội đồng hương.

Khi thành phố cách ly, khoảng 16.000 lao động tự do như bà Oanh kẹt lại ở các khu nhà trọ, tạm trú. Đây lại là những người bị thiệt thòi nhất khi hoạt động kinh tế bị “đóng băng”, cuộc sống lâm vào cảnh túng quẫn, lo cho bữa ăn thôi cũng đã khó khăn. Vậy mà khi thành phố cách ly, từng có đề xuất nên cho 77.000 công nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng nghỉ làm, tự cách ly. Điều này chắc chắn không chỉ làm doanh nghiệp phá sản mà còn khiến hàng vạn người lao động không thể cầm cự được để chờ dịch qua đi.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo của 15 tỉnh, thành ghi nhận có người mắc Covid-19 mới đây, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương vừa không coi thường sức khỏe và tính mạng của người dân, nhưng cũng không thể phong tỏa, hay đóng cửa tất cả gây tê liệt mọi hoạt động kinh tế - xã hội, gây ra tình trạng thất nghiệp, đói kém đối với người lao động. Rõ ràng, chống dịch là cuộc chiến tổng lực và có kế hoạch lâu dài chứ không chỉ là ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Chúng ta buộc phải làm song song hai việc này để nền kinh tế không lâm vào tình trạng “vỡ trận”, chứ không phải ưu tiên nhiệm vụ nào trước, nhiệm vụ nào sau.

Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là, trong những tháng cuối năm, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 100.000 người mỗi tháng, số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người. Đây là kết quả chúng ta có thể tiên lượng trước được khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, vốn đã chịu nhiều tổn thất chưa kịp phục hồi sau đợt dịch đầu. 7 tháng năm 2020, mỗi tháng gần 100.000 người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ 2019.

Song đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Từ nay đến cuối năm, tình trạng người lao động mất việc làm dự báo còn lớn hơn rất nhiều. Tới tháng 9, sẽ có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại Bình Dương và Đồng Nai, mỗi tỉnh cũng dự kiến có khoảng 100.000 - 150.000 lao động sẽ phải ngừng việc, nghỉ việc. Dẫu rằng Nhà nước đang có những gói hỗ trợ rất thiết thực, nhưng cũng chỉ mang tính cấp bách trong ngắn hạn, mấu chốt vẫn phải bảo đảm được công việc cho người lao động, điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.

Từ thực tiễn diễn ra qua đợt dịch đầu tiên và sự trở lại của Covid-19 lần này, chúng ta cũng nhận ra, việc giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tình thế để tránh được những cú sốc về y tế. Virus SARS-CoV-2 vẫn còn đó, luôn rình rập, đòi hỏi chúng ta có những ứng xử, đối phó thông minh hơn. Đáng tiếc là nhiều địa phương tuy không ở trong tâm dịch nhưng hầu như co cứng, bị động chạy theo diễn tiến của dịch bệnh. Những công tác khác gần như đình trệ, đời sống người dân khó khăn, trông chờ vào sự hỗ trợ từ trung ương. Đây là sự lảng tránh trách nhiệm và phần nào cho thấy sự hạn chế năng lực lãnh đạo.

Kiên định với “mục tiêu kép”, Thủ tướng yêu cầu từng địa phương nên suy nghĩ về một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, cả về kinh tế và đặc biệt là y tế. Không chủ quan nhưng cũng không đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng. Singapore cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm khi khu vực ký túc xá với 380.000 công nhân có dịch Covid-19 bùng phát, nước này đã nhanh chóng phong tỏa cả nước. Quyết định này trả giá bằng thiệt hại kinh tế rất lớn trong khi thực tế, dịch chỉ co cụm ở khu ký túc xá công nhân nói trên. Dịch bệnh có thể được giải quyết, khống chế với khu vực khoanh vùng phù hợp, không cần thực hiện với toàn quốc, gây hậu quả nặng nề. Vậy nên, không thể coi mục tiêu phát triển kinh tế và chống dịch là hai nhiệm vụ tách rời, ưu tiên cho mục tiêu nào hơn.

Chi An