Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Chiến lược, bao trùm và rất thời sự

- Thứ Hai, 06/12/2021, 05:12 - Chia sẻ
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 là sự kiện vừa có tính chiến lược, bao trùm, vừa rất thời sự. Đặc biệt, phát biểu khai mạc và bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra nhiều thông điệp rõ ràng, thể hiện tầm nhìn xa, bao quát các vấn đề đặt ra cho trước mắt cũng như trong trung và dài hạn của đất nước.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An: Đáp ứng yêu cầu bức thiết của nền kinh tế

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 có quy mô lớn, với nhiều ý nghĩa quan trọng. Diễn đàn được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan chiến lược của Đảng, Nhà nước là Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức. Những nội dung trong diễn đàn rất thời sự, đáp ứng yêu cầu bức thiết và khẩn cấp của nền kinh tế, đúng như chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”.

Đây là diễn đàn có tính chất chiến lược, đúng như ý kiến phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là: “Những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung”. Quán triệt quan điểm này, các đại biểu tham gia diễn đàn đã khuyến nghị nhiều giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài. Thực tế cho thấy, hồi phục kinh tế không phải là vấn đề có thể làm ngay trong một năm, hai năm, mà cần có thời gian.

Thành phần tham gia diễn đàn, ngoài đại diện lãnh đạo các cơ quan hoạch định chính sách, thực thi chính sách, còn có các nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của chính sách, đại diện các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế uy tín. Điều này cho thấy, Diễn đàn có sức lan tỏa rộng, là cơ hội để tận dụng, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý, thể hiện niềm tin của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế đối với Việt Nam. Đồng thời bày tỏ mong muốn, Việt Nam phát triển ổn định, tiếp tục là đối tác tốt của các nước và các tổ chức quốc tế.

Tính bao trùm của Diễn đàn được thể hiện ở việc các giải pháp gợi mở không phải chỉ cho các cơ quan lập pháp, mà còn cho cả hệ thống chính trị. Sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan hoạch định chính sách cho thấy tính toàn diện rất cao, thể hiện cả ở mặt lý luận và thực tiễn, cùng phục hồi và phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới.

Mục tiêu chính của Diễn đàn là hiến kế, đưa ra các giải pháp phù hợp để phục hồi và phát triển kinh tế. Các giải pháp chủ yếu xoay quanh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm điều hành. Tuy nhiên, tôi đặc biệt lưu ý đến tính khả thi của các đề xuất. Đơn cử: xác định rõ nguồn lực thực hiện chính sách như thế nào, căn cứ nào để đưa ra đề xuất đó (nguồn lực lấy từ đâu, khu vực nào…). Cũng có những gói chính sách, chúng ta đưa ra khuyến nghị lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đây không phải là con số nhỏ, cần có cân nhắc rất kỹ lưỡng. Do vậy, mọi đề xuất đều cần bảo đảm có tính khả thi cao.

Trong phiên làm việc chiều qua, Diễn đàn có hai phiên họp chuyên đề, thảo luận bàn tròn để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, đại biểu quốc tế... đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm biến ý tưởng, đề xuất thành hiện thực. Tôi tin rằng, hơn bao giờ hết, người dân, doanh nghiệp, xã hội đều đang chờ đợi những tác động, hiệu ứng trực tiếp của diễn đàn, đưa chính sách đến được với người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan: Thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa chính sách và cuộc sống

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cho thấy sự cởi mở, mong muốn lắng nghe ý kiến chuyên môn, toàn diện đến từ những người thực thi chính sách và cả những người có sứ mệnh quyết định chính sách. Sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, cử tri và Nhân dân đối với diễn đàn là rất lớn. Đây còn là diễn đàn dân chủ, mời gọi các ý kiến tham gia đóng góp vào các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19.

Với những giải pháp đưa ra từ các chuyên gia, từ góc nhìn trong nước, quốc tế, từ những nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi chính sách, đối tượng chịu sự tác động của chính sách, diễn đàn đã thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa chính sách và cuộc sống. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, “nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống, thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào chính sách, pháp luật thì bản thân chính sách khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được”. Vì thế, những vấn đề đặt ra trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thì phải xem xét đến khả năng của ngân sách nhà nước, tránh ảnh hưởng đến nợ công, bội chi.

Tôi cho rằng, để chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sớm được xây dựng và thực hiện, đi vào cuộc sống rất cần khảo sát thực tế, đánh giá tác động của dịch Covid - 19, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến chuyên gia từ các khía cạnh. Xác định chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp cho phục hồi kinh tế - đây là chìa khóa rất quan trọng, bảo đảm điều kiện thực thi. Trong đó, có hỗ trợ con người, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư phát triển.

 Tới đây, Quốc hội sẽ có Kỳ họp bất thường để nghe, cho ý kiến và quyết định những chính sách, vấn đề quan trọng liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu các chính sách này được Quốc hội thông qua thì các cơ quan có trách nhiệm cần sớm hướng dẫn, triển khai thực hiện, huy động được nguồn lực và phải có cơ chế giám sát việc thực hiện chính sách.

Thông qua diễn đàn, một thông điệp rất nổi bật, đó là chúng ta phải cùng chung sức, đồng lòng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân: Tạo cơ chế bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Với vai trò là Chủ tịch VINASME, tôi đánh giá cao việc Ủy ban Kinh tế phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế, tránh bị lỡ nhịp tăng trưởng.

Điều đặc biệt ấn tượng là diễn đàn mở rộng đối tượng tham gia, không chỉ các nhà lập pháp, quản lý nhà nước mà có các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển của Việt Nam, nhất là việc kết nối với các chuyên gia từ một số điểm cầu ở nước ngoài. Những ý kiến nêu ra tại Diễn đàn rất thẳng thắn, cụ thể, chắc chắn sẽ là nguồn thông tin "đầu vào" tham khảo có giá trị để Quốc hội, Chính phủ xem xét trong quá trình hoạch định, xây dựng Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Điểm đáng mừng là tại Diễn đàn, các chuyên gia đều nói đến vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ doanh nghiệp này chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta, tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh kinh tế đất nước. Muốn phục hồi và phát triển kinh tế thì phải khôi phục và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tôi rất tâm đắc với phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong đó nêu rõ: Chủ đề của chúng ta là hai chữ P - tức là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Để phát triển bền vững, bên cạnh các giải pháp tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội, việc đề ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất quan trọng và cần thiết.

Hiện, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ, trong đó có vấn đề về vốn và mặt bằng. Chúng tôi mong rằng, sau Diễn đàn này, Quốc hội và Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Trong đó, cần đơn giản điều kiện cho vay với các quỹ. Đối với mặt bằng sản xuất, cần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa so với doanh nghiệp lớn, bởi hiện nay các doanh nghiệp lớn vẫn có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận mặt bằng. Muốn vậy, cần có thể chế chính sách về điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận mặt bằng thuận lợi hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu: Cởi mở, toàn diện

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tạo ấn tượng bởi độ mở, từ hai điểm cầu tại Trung ương được kết nối đến 57 điểm cầu tại địa phương và các điểm cầu tại Pháp, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Thái Lan… tập hợp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, các nhà quản lý, hoạch định và thực thi chính sách. Đó là những ý kiến chuyên môn cởi mở và toàn diện đến từ những người thực thi chính sách, cũng như những người quyết định chính sách. Tính chất của Diễn đàn vì thế rất mở, được kết nối với quy mô và phạm vi rất rộng, những quan điểm, góc nhìn khác nhau tương tác đã làm sáng rõ nhiều vấn đề về chính sách tài khóa, tiền tệ...

Diễn đàn cũng cho thấy tinh thần đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tìm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế ở đây không phải là phát triển bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vừa chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng, kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, vừa bám sát mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững. Bên cạnh các đề xuất giải pháp kinh tế còn đưa ra những giải pháp về xã hội, môi trường, khoa học, công nghệ…

Tôi rất ấn tượng với phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vừa thể hiện tầm nhìn xa, vừa bao quát tổng thể, thẳng thắn đề cập một số vấn đề cần tập trung làm rõ. Trong đó, nêu rõ những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đã được Quốc hội quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, dư địa ngoài khung khổ. Điều này đã truyền cảm hứng, động lực cho các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội, nhà quản lý cùng hiến kế, đưa ra những đề xuất chính sách hữu ích.  

Thanh Hải - Hoàng Ngọc - Vũ Thủy ghi