Tản mạn

Chiếc bát hình trái tim

- Chủ Nhật, 16/05/2021, 07:41 - Chia sẻ
Ông thợ nhìn cái bát cũ kỹ và hỏi: Chiếc bát này có đáng giá gì đâu mà bà phải sửa? Bà cụ trả lời: Đó là chiếc bát của một người đã đi và mang theo trái tim của con gái tôi...

Người Nhật có nghệ thuật Kintsugi, đó là cách hàn gắn lại đồ vỡ bằng sơn mài và vàng. Trong thế giới đó, những điều cũ kỹ, những vụn vỡ đều mang vẻ đẹp - đó là vẻ đẹp của sự không hoàn hảo. Khi nhìn thấy một đồ vỡ đã được gắn lại, bạn sẽ thấy lòng trân trọng của người hàn gắn và sửa chữa nó. 

Trong cuộc sống, bạn hẳn cũng như tôi, chắc cũng có những đổ vỡ, những nỗi đau hoặc những nỗi buồn thoáng qua. 
Nhưng hoặc là bạn tỉ mỉ, bằng tất cả yêu thương và nhẫn nại để hàn gắn lại. Hoặc giả, không hàn gắn được thì bạn cũng mỉm cười, sống rực rỡ và lộng lẫy so với chính mình để từ tàn tro, những điều tốt đẹp sẽ nảy mầm.
Ai đó đã nói rằng, "tan vỡ là một nỗi buồn, nhưng tàn tro ở nơi nào đó là dinh dưỡng cho những điều tốt đẹp nảy mầm”...

Và cũng chính từ đổ vỡ mà chúng ta biết trân trọng những thứ đơn giản, trân trọng thời điểm thực tại, trân trọng sai lầm, trân trọng những vết thương và trân trọng cả quá trình lão hóa. 

Nguồn: ITN

Trong bộ phim "Đường về nhà" của Trương Nghệ Mưu có chi tiết: Một bà mẹ mù ngồi trong nhà gọi ông thợ sửa bát vào, qua cái nắng xuyên ngang mùa tuyết miền núi. Ông thợ nhìn cái bát cũ kỹ và hỏi: Chiếc bát này có đáng giá gì đâu mà bà phải sửa? Bà cụ trả lời: Đó là chiếc bát của một người đã đi và mang theo trái tim của con gái tôi. 

Chao ơi đọc mà thấy thơ quá, lãng mạn quá và cũng đau lòng quá! Cố gắng hàn gắn lại chiếc bát bởi nó mang theo một người, mang theo trái tim của một người - đó chẳng phải vì tình yêu mà cố gắng sao!

Bạn có đang cố gắng hàn gắn một đổ vỡ nào đó của một thứ đã mang theo trái tim của bạn không?

Thuỷ Lê