Chỉ xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên

Anh Thảo 25/12/2022 06:09

Là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tại Phiên họp toàn thể thứ 10 của Ủy ban Pháp luật, các đại biểu nêu quan điểm, chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ quát, để bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh. 

Tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để

Trình bày Tờ trình dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh nêu rõ, việc xây dựng Pháp lệnh này là cần thiết, nhằm bảo đảm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật, trong đó bao gồm cả lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh và triệt để.

Chỉ xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, trước đó do chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, nên có trường hợp xảy ra vi phạm trong hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phải đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo hướng này thì thường vi phạm không được xử lý kịp thời.

Tán thành với sự cần thiết xây dựng Pháp lệnh, các đại biểu tham dự Phiên họp cũng cho rằng, Pháp lệnh này sẽ góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ được giao ban hành các nghị định quy định về xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực. Tuy nhiên, lĩnh vực kiểm toán nhà nước không thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ. Việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quy định là đúng thẩm quyền. 

Các đại biểu thống nhất quan điểm, do đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ quát, để bảo đảm tính khả thi.

Dự thảo Pháp lệnh quy định đối tượng bị xử phạt gồm: đơn vị được kiểm toán; tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước và tổ chức, cá nhân khác. Băn khoăn về quy định này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc xử phạt là đối với tổ chức, cơ quan hay cá nhân? Bởi nếu xử phạt cơ quan, tổ chức vi phạm mà dùng tiền ngân sách nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước là không khả thi. Trường hợp lãnh đạo cơ quan, đơn vị vi phạm trong việc chậm gửi tài liệu hồ sơ, nhưng lại xử phạt cơ quan, đơn vị như vậy sẽ không công bằng đối với cán bộ, nhân viên thuộc cơ quan, đơn vị đó.

Theo quy định tại Điều 29 Luật Kiểm toán Nhà nước, cộng tác viên kiểm toán nhà nước tham gia vào tổ kiểm toán, hoạt động kiểm toán nhưng không phải cán bộ, công chức không phải kiểm toán viên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy băn khoăn nếu đối tượng này vi phạm thì có bị xử phạt hay không và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào đối tượng bị xử phạt vì hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định xử phạt hành chính đối với đối tượng này.

Nêu thực tế doanh nghiệp một năm tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam lo ngại, liệu có xảy ra sự chồng chéo trong xử phạt nếu doanh nghiệp đó vi phạm hay không, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này. Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh quy định về đối tượng bị xử phạt là “tổ chức, cá nhân khác”, theo đại biểu quy định như vậy là rất rộng, cần chỉnh sửa về kỹ thuật lập pháp để đảm bảo rõ ràng, cụ thể hơn.

Mức xử phạt phải tương đồng, thống nhất với các quy định hiện hành

Liên quan đến nội dung xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Điều 8 dự thảo Pháp lệnh quy định: “xử phạt từ 2 đến 7 triệu đồng đối với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý từ trên 15 ngày trở lên so với thời hạn”. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam cho rằng, mức phạt như vậy chưa đủ sức răn đe. Tương tự, mức phạt 7 đến 15 triệu đồng đối với hành vi từ chối gửi báo cáo tài chính, không cung cấp thông tin tài liệu cần thiết để thực hiện kiểm toán yêu cầu, từ chối trả lời và giải trình không chính xác các vấn đề do Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán… cũng chưa thực sự phù hợp. Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, nghiên cứu kỹ hơn về quy định này.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ ra, tại Điều 8 có 5 khoản quy định về các hành vi, mức xử phạt là phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên đối chiếu với nhóm hành vi quy định tại Nghị định 41 năm 2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập cho thấy mức xử phạt đối với một số hành vi chưa thống nhất và tương đồng.

Ngoài ra, cũng có ý kiến về việc giải quyết khiếu nại tại Điều 12: Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán nhà nước bị khiếu nại thì việc giải quyết khiếu nại được giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi, trong trường hợp đối tượng bị xử phạt không đồng tình với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết? Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị bổ sung quy định trước khi ban hành quyết định phạt tiền các hành vi vi phạm hành chính đối với đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán cần có hình thức nhắc nhở sẽ phù hợp và thuyết phục hơn.

Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 1.2023. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật và Kiểm toán Nhà nước phối hợp với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chỉ xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO