Chỉ thị số 04-CT/TW: Khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng

- Thứ Năm, 17/06/2021, 06:54 - Chia sẻ
Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó nhấn mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Bài 1: Tài sản tham nhũng khủng, thu hồi “nhỏ giọt”

Nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra truy tố, xét xử thời gian qua đều là những vụ án gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước như: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank)… Dẫu vậy, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án này lại “nhỏ giọt”.

Còn nhiều tài sản chưa thu hồi được trong vụ án Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines 

Muối… bỏ biển

Tại hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế điển hình của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2020, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Những năm qua, tình hình tham nhũng, tiêu cực ở nước ta diễn ra rất phức tạp, tham nhũng có dấu hiệu gia tăng về số lượng; quy mô lớn, tính chất phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các lĩnh vực. Trong đó, tham nhũng thường xảy ra trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai, ngân hàng, tài chính, phát triển dự án xây dựng đô thị, giao thông, công nghiệp, mua sắm tài sản công… có tổ chức chặt chẽ và hình thành đường dây, kéo dài trong nhiều năm.

Theo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao được trình bày tại Phiên họp số 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu năm 2021 cho thấy, trong nhiệm kỳ vừa qua tỷ lệ thu hồi tài sản cũng như tổng tài sản thu hồi do tham nhũng tăng lên đáng kể, gấp 4 - 5 lần so với nhiệm kỳ trước đó. Cụ thể, Báo cáo của ngành Kiểm sát khẳng định: Nhờ tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế nên trong nhiệm kỳ 2016 -2021, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng. Còn báo cáo của ngành tòa án cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo. Bên cạnh đó, tòa án đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thẩm tra về báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp, Quốc hội đưa ra đánh giá: Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tăng qua các năm. Tòa án Nhân dân Tối cao đã chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản như 100% vụ án và bị cáo bị áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra, truy tố tiếp tục được tòa án giữ nguyên việc áp dụng các biện pháp này trong giai đoạn xét xử.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong những năm qua tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, từ năm 2013 - 2019, số tiền, tài sản thu được trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt tương đương 9.000 tỷ đồng; đến năm 2020, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành được số tiền, tài sản tương đương 14.017 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi hơn 23.000 tỷ đồng, bằng 61% tổng số tiền đã thi hành xong từ trước đến nay. Một số vụ việc điển hình đã thu hồi được số tiền lớn trong thời gian qua như: Vụ Hứa Thị Phấn, cho đến nay đã thu hồi được hơn 12.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh thu hồi được trên 5.405 tỷ đồng; vụ Phan Sào Nam thu hồi được gần 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, có vụ việc, cơ quan chức năng đã thu hồi được 100% số tiền thất thoát (vụ AVG với hơn 8.000 tỷ đồng).

Vậy, nhưng đây là một điểm sáng nhỏ trong bức tranh thu hồi tài sản chống tham nhũng không mấy sáng sủa trong thời gian qua. Và đây cũng chính là một trong những lý do cơ bản để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Khi cơ quan thi hành án “bó tay”

Từ năm 2017 đến nay, ông Đinh La Thăng đã 4 lần hầu tòa trong 4 vụ án khác nhau, với tổng cộng 30 năm tù giam (mức án cao nhất với tù có thời hạn); bồi thường tổng cộng 830 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng được xác định chỉ có căn nhà chung cư đồng sở hữu với vợ.

Không khó để có thể liệt kê các vụ án tham nhũng mà cơ quan thi hành án dân sự “bó tay” không thể tổ chức thi hành vì không còn tài sản. Điển hình như vụ án Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo bản án, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, phải bồi thường 110 tỷ đồng do phạm 2 tội là "Tham ô" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Thế nhưng đến nay, chỉ mới chỉ thu hồi được trên 21 tỷ đồng; khoản còn lại phải thi hành hơn 88 tỷ đồng. Đáng nói, ngoài những tài sản đã được cơ quan tiến hành tố tụng xác định thì qua xác minh của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác nên đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án với khoản tiền trên.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ ngày 1.6.2009 - 1.6.2020 Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử sơ thẩm 352 vụ/1.059 bị cáo; giải quyết: 342 vụ/1.023 bị cáo (trong đó: xét xử 265 vụ 777 bị cáo, trả hồ sơ điều tra bổ sung 77 vụ 246 bị cáo); đang giải quyết 10 vụ 36 bị cáo. Số tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng đã xét xử là trên 15.687 tỷ đồng, 52.221m2 đất, 1.774m2 đất phi nông nghiệp, 79.896 USD, 2.750 euro. Tuy nhiên, số tiền và tài sản trong các vụ án tham nhũng xét xử đã được thu hồi là hơn 7.623 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, so với những con số mong muốn, con số kỳ vọng thì công tác  thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn khiêm tốn, kết quả thu được “nhỏ giọt”. Theo ông Hòa, trong một số vụ việc phải thi hành án, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án ít nhưng số tiền phải thi hành rất lớn. Đơn cử như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Theo bản án của Tòa phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số tiền bị cáo phải thi hành là gần 14.000 tỷ đồng, song tổng tài sản đã kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án chỉ có giá trị khoảng hơn 500 tỷ đồng, số còn lại khoảng 13.500 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành án. Hay, vụ án tham nhũng tại Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội, Phạm Thị Bích Lương bị tuyên buộc liên đới bồi thường gần 1.400 tỷ đồng nhưng đến nay, cơ quan thi hành án dân sự chỉ thu hồi được hơn 1 tỷ đồng và hiện tại không còn tài sản, chưa có điều kiện thi hành án.

Từ thực tế hoạt động điều tra các vụ án về kinh tế, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết: Đối tượng tham nhũng “tẩu tán tài sản quá nhanh”, trong khi đó, quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ án tham nhũng thường diễn ra tương đối dài, trải qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản. Thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, nhờ người khác đứng tên, chuyển tiền, tẩu tán ra nước ngoài, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả, không còn tài sản để thu hồi.

Đồng tình với chia sẻ trên, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, thu hồi tài sản tham nhũng là cả một quá trình gồm nhiều giai đoạn và liên quan đến nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau: từ phòng ngừa và phát hiện; ra lệnh tịch thu; phong tỏa, tạm giữ; nhận dạng, truy tìm đến tổ chức thi hành án… Nếu một khâu trong quá trình đó bị lỡ nhịp thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình đấu tranh và phòng, chống tham nhũng. Thực tế cho thấy, việc phát hiện các vụ án, vụ việc tham nhũng còn chậm dẫn đến tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng, khó thu hồi.

Song Hương