Chỉ mới “tiện” cho cơ quan quản lý?

- Thứ Năm, 13/08/2020, 08:04 - Chia sẻ
Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đề nghị công an các tỉnh, thành phố đang cấp đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân ngừng khuyến khích người dân cấp đổi, bởi sắp tới sẽ đổi sang thẻ căn cước công dân mới có gắn chip điện tử.

Như vậy, thẻ căn cước công dân sử dụng mã vạch vừa được cấp đổi chưa được bao lâu sẽ bị thay thế nếu đầu tháng 11 tới, đề án dùng Thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử được thông qua. Đại diện C06 cho rằng, việc đổi sang loại thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử, thông tin lưu trữ được nhiều hơn và bảo đảm được cho việc quản lý xã hội. Ngoài tác dụng chính là xác thực, định danh công dân, thẻ căn cước điện tử sử dụng công nghệ chip còn có thể đóng vai trò như bằng lái xe, thẻ lưu trú, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ giao thông công cộng, ví điện tử...

Nhưng còn 16 triệu người đã cấp đổi thẻ căn cước công dân sử dụng mã vạch từ 1.1.2020 đến nay sẽ ra sao? Vì sao không tính trước loại phôi căn cước công dân như thế nào cho chuẩn ngay từ đầu rồi hãy phát hành? Việc đổi mẫu thẻ có gắn chíp điện tử chắc chắn là phải thuận tiện hơn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý dân cư, tích hợp được nhiều dữ liệu hơn, khó làm giả hơn thì Bộ Công an mới thực hiện. Tuy nhiên, việc thay đổi mẫu phôi sẽ tiêu tốn không ít tiền của ngân sách nhà nước, gây phiền toái không ít cho người dân khi phải cấp đổi nhiều lần.

Thực tế, quá trình thay đổi về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân đã phát sinh thêm nhiều thủ tục rườm rà khác cho người dân. Năm 2012, chứng minh nhân dân 12 số được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương để thay thế cho mẫu chứng minh nhân dân 9 số lưu hành trước đó. Đến năm 2016, mẫu căn cước công dân mã vạch được triển khai tại 16 địa phương cho đến nay với khoảng 16 triệu công dân được cấp, đổi. Nhưng thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số và 9 số gần nhưng không có sự liên kết, kế thừa nào về nguyên tắc đánh số. Việc này dẫn đến nhiều phiền hà, khi người dân phải cố gắng chứng minh người có số chứng minh nhân dân cũ và số căn cước công dân mới là một.

Nay từ thẻ căn cước công dân sử dụng mã vạch lại chuyển sang loại có gắn chíp điện tử. Mặc dù đại diện C06 cho biết, những thông tin, mã số định danh trên thẻ căn cước công dân mẫu mới không thay đổi so với thẻ hiện tại, những người đã có thẻ căn cước công dân có mã vạch thì không bắt buộc phải đổi sang thẻ gắn chip khi chưa hết hạn. Tuy nhiên, khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân được gắn chip để trở thành thẻ công dân điện tử, vậy thẻ bằng mã vạch liệu có còn tương thích? Đó là chưa kể, thẻ mới tích hợp nhiều thông tin nhằm định danh công dân và thay cho nhiều loại giấy tờ khác, nên với những người dùng thẻ hiện hành, sớm hay muộn, người dân vẫn sẽ tiếp tục phải trải qua một quá trình đổi thẻ, cung cấp nhiều thông tin cá nhân hơn lưu trữ vào một mã định danh cá nhân.

Dẫu vẫn biết mẫu căn cước công dân mới có nhiều cải tiến, sau này khi tích hợp với dịch vụ công sẽ giảm chi phí rất lớn cho người dân trong các thủ tục hành chính. Nhưng đáng lẽ cơ quan chức năng nên tính phương án sớm hơn, không để chỉ mới triển khai một thời gian lại phải thay đổi. Bởi rất nhiều người đồng thuận, ủng hộ chủ trương quản lý dân cư trên cơ sở dữ liệu quốc gia của Chính phủ, nên đã hăng hái đi đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, kéo theo bộ máy phục vụ sự thay đổi này. Một số địa phương còn nhiệt tình triển khai cấp căn cước công dân vào cả những ngày nghỉ để bảo đảm tiến độ.

Quan trọng hơn, trong khi tạm dừng, không khuyến khích người dân đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, để đợi phê duyệt, đợi phôi thẻ mới, không biết đến bao giờ mới có thể hoàn thành việc cấp 100% mã số định danh cá nhân, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, hoàn thiện Chính phủ điện tử... vốn đã rất chậm so với kế hoạch đặt ra theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014.

Chi An