Chất lượng hoạt động của đại biểu đóng vai trò quan trọng

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:07 - Chia sẻ
Nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND là nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Đây vừa là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn hoạt động của HĐND vừa là đòi hỏi của cử tri, Nhân dân đối với đại biểu đại diện cho mình. Trong đó, công tác tiếp công dân của đại biểu là hoạt động có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nâng cao trách nhiệm của đại biểu

Theo tổng kết hoạt động HĐND huyện Quế Võ, Bắc Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021, đa số đại biểu HĐND huyện đã thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền hạn của mình như tiếp xúc cử tri; tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri với Thường trực HĐND huyện và các cơ quan chức năng, góp phần tạo niềm tin với cử tri. Tại các kỳ họp HĐND, nhiều đại biểu HĐND đã tích cực phát biểu thảo luận, chất vấn và đề xuất nhiều giải pháp, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương…

Thường trực HĐND huyện Quế Võ tổ chức hội nghị giao ban với Thường trực HĐND các xã, thị trấn quý IV năm 2021

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như chỉ có 3/37 đại biểu hoạt động chuyên trách, đa số hoạt động kiêm nhiệm nên một số đại biểu dành ít thời gian thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu HĐND. Một số đại biểu HĐND ít tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề do Thường trực HĐND tổ chức...

Nguyên nhân của thực trạng trên là do lĩnh vực hoạt động của HĐND rộng, đòi hỏi đại biểu phải có trình độ, năng lực, kiến thức tổng quát và kinh nghiệm thực tiễn. Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND hạn chế, chưa thường xuyên, nặng về lý luận, thiếu những kinh nghiệm thực tiễn cụ thể trong hoạt động của đại biểu. Do vậy, sau tập huấn, trình độ đại biểu chưa được nâng lên, đa số đại biểu hoạt động vừa học vừa làm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND huyện Quế Võ cho rằng, sau khi trúng cử, vào đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND cần tập huấn, bồi dưỡng nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu; chú ý bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, kỹ năng công tác cho đại biểu HĐND. Đặc biệt, tập trung bồi dưỡng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật mới, kỹ năng giám sát, khảo sát, kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng chất vấn và đối thoại...

Bản thân đại biểu phải thường xuyên tự học tập, nghiên cứu, trang bị cho mình kiến thức; nâng cao nhận thức, hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND trong thực hiện quy định của pháp luật, trong hoạt động thực tiễn. Các đại biểu HĐND do đa số kiêm nhiệm, cần phát huy tính chủ động, không chỉ hoạt động trong kỳ họp HĐND mà cả giữa 2 kỳ họp, khi tiếp xúc cử tri… không thụ động chờ chỉ đạo của Thường trực HĐND.

Thường trực HĐND cần quy định cụ thể việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND thông qua Quy chế hoạt động HĐND, đánh giá chất lượng hoạt động đại biểu định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và cả năm, nhằm nâng cao trách nhiệm của đại biểu. Đồng thời, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng đại biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thái độ nghiêm túc đối với đại biểu thiếu gương mẫu. Giao nhiệm vụ cho đại biểu chủ động thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình, để đại biểu thực sự là người đại biểu đại diện của Nhân dân.

Bảo đảm nguyên tắc, quy trình khoa học

Công tác tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ của đại biểu có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Kỹ năng tiếp công dân của đại biểu là công việc phức tạp đòi hỏi phải bảo đảm các quy định của pháp luật, song, lại luôn đặt ra yêu cầu phải sáng tạo, linh hoạt về phương pháp và cách thức tiến hành.

Qua hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư của đại biểu HĐND huyện Yên Phong thời gian qua cho thấy, việc tiếp công dân chủ yếu do Thường trực HĐND và đại biểu chuyên trách cấp huyện thực hiện. Thực tế, số công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, gửi đơn thư tại các buổi tiếp công dân của đại biểu HĐND huyện không nhiều, cấp xã hầu như không có. Do tâm lý của công dân cho rằng, đại biểu HĐND huyện không có thẩm quyền trực tiếp giải quyết những vấn đề mà người dân cần, chủ yếu lắng nghe, hướng dẫn hoặc nhận và chuyển đơn.

Một số trường hợp công dân chưa nắm rõ quy định của pháp luật về thủ tục, thẩm quyền tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gửi cùng lúc nhiều cấp, nhiều ngành. Có những trường hợp đã được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định, hết thẩm quyền, nhưng không chấp hành quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, cố tình đeo bám và gửi đơn thư vượt cấp.

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư, HĐND huyện Yên Phong cho rằng, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn sâu hơn về kỹ năng tiếp công dân cho đại biểu HĐND các cấp. Đối với mỗi đại biểu, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu về pháp luật, kỹ năng tiếp công dân, nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.

Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cần bảo đảm nguyên tắc, quy trình hết sức khoa học với những giải pháp kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng đùn đẩy hoặc né tránh. Kịp thời xử lý các tình huống đối với các đoàn công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; hạn chế đến mức thấp nhất vụ việc công dân khiếu kiện tập trung đông người, phức tạp, kéo dài…

Quang Tuấn