Cơ chế tài chính cho cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ

Chất lượng, hiệu quả và công bằng

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 06:35 - Chia sẻ
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ” do Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tổ chức ngày 18.6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh 3 từ khóa quan trọng là: Chất lượng, hiệu quả và công bằng.

Rõ vai trò, trách nhiệm các bên

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, chúng ta đang đứng trước thách thức lớn khi giáo dục đại học chuyển từ tập trung bao cấp sang phân tán và tự chủ. Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, tài chính có hạn, không tăng hoặc tăng không nhiều chi cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, “muốn nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, không có cách nào khác, phải huy động các nguồn lực xã hội để tăng tài chính cho giáo dục đại học, tăng chi phí trên đầu sinh viên. Bằng cơ chế, chính sách, Nhà nước có thể tạo ra được những động lực để xã hội tham gia đào tạo giáo dục đại học”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh 3 từ khóa quan trọng đối với cơ chế tài chính cho cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ là: Chất lượng, hiệu quả và công bằng

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh hiệu quả sử dụng kinh phí, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục. “Chi cho giáo dục là chi cho đầu tư, mà đã đầu tư thì phải vào chỗ nào để đạt hiệu quả nhất và tạo công bằng xã hội, cho mọi người dân, mọi cơ sở giáo dục đại học, trong cơ chế cạnh tranh”.

Để làm được như vậy, các trường đại học xây dựng quản trị nội bộ với vai trò tự chủ của mình, sử dụng ngân sách nhà nước, đóng góp của người học và xã hội đầu tư một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, phải phân rõ vai trò, trách nhiệm của các bên, giữa Nhà nước với người học và với xã hội.

Công khai, minh bạch

Một trong những giải pháp hiệu quả, được xã hội đồng thuận là minh bạch, công khai mọi thứ. PGS, TS. Vũ Cương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, công khai, minh bạch là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập nhằm cân bằng giữa việc giao quyền tự chủ cho các trường với việc bảo đảm trách nhiệm giải trình của các trường trước xã hội, nhà nước và người sử dụng dịch vụ giáo dục đại học công lập.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhập học năm 2020 - Nguồn: giaoducthoidai.vn

“Công khai, minh bạch về tài chính để tạo niềm tin cho người học và xã hội đối với cơ sở đào tạo, đồng thời cũng là cơ sở giúp người học và xã hội thực hiện giám sát hoạt động quản lý tài chính nhằm sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực tài chính theo đúng quy định pháp luật, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của các cơ sở giáo dục đại học công lập đối với người học và toàn xã hội. Về lâu dài, đây cũng là một bước đi cần thiết để tăng cường công tác quản trị tại các trường đại học, giúp hệ thống giáo dục đại học Việt Nam từng bước hội nhập ngang tầm khu vực và quốc tế”, PGS, TS. Vũ Cương nói.

Bảo đảm công bằng

Bên cạnh đó, để bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học đối với mọi người, kinh nghiệm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được nhiều đại biểu tham dự tọa đàm chia sẻ. Theo đó, với quyết định cho phép thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai chính sách học bổng mới gồm học bổng tài năng dành cho sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc dưới dạng phần thưởng; học bổng hỗ trợ học tập dành cho các sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và từng bước hình thành nguồn kinh phí hỗ trợ nghiên cứu dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh, đồng thời bảo đảm thực hiện chế độ miễn giảm học phí đối với sinh viên là đối tượng chính sách theo Thông tư liên tịch 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30.5.2014 và hỗ trợ phần chênh lệch do tăng học phí. Năm 2018, Quỹ học bổng đã đạt trên 32 tỷ đồng. Quỹ học bổng được bổ sung hàng năm từ tiền lãi gửi ngân hàng từ khoản thu sự nghiệp và từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp (khoảng 10 - 15 tỷ đồng/năm).

PGS, TS. Đinh Văn Hải trình bày chính sách hỗ trợ người học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PGS, TS. Đinh Văn Hải, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, chính sách tài chính hỗ trợ người học trong giai đoạn 2016 - 2019 của trường là: Học bổng tài năng dành cho sinh viên tài năng, có kết quả học tập và rèn luyện vượt trội hoặc có các thành tích đặc biệt xuất sắc và có kết quả rèn luyện tốt. Những sinh viên này thuộc vào top 1% của các viện đào tạo. Học bổng tài năng cấp cho khoảng 3% tổng số sinh viên đang học tập tại Trường.

Học bổng hỗ trợ học tập dành cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc đặc biệt khó khăn, có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Giá trị của các suất học bổng này thưởng ở mức tương đương mức học phí hàng năm của sinh viên. Học bổng hỗ trợ học tập cấp cho 8% tổng số sinh viên đang học tại trường.

“Hàng năm nhà trường dành khoảng 45 tỷ đồng để cấp học bổng cho sinh viên theo hai hình thức này. Ngoài ra, sinh viên có thể đăng ký xét cấp học bổng tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ cho sinh viên của trường”, PGS, TS. Đinh Văn Hải chia sẻ.

Cách làm này không chỉ khuyến khích sinh viên giỏi mà cũng quan tâm, tạo điều kiện cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo ra lợi ích lâu dài đối với xã hội.

Đỗ Vũ