Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

"Chất lạ" khơi dòng điện ảnh

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 05:53 - Chia sẻ
Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) được ví như bông hoa nở muộn trên văn đàn Việt Nam sau năm 1975. Giới phê bình cho rằng ông là một "hiện tượng lạ" trên văn đàn. Truyện của ông khắc sâu vào tâm trí người đọc bằng giọng văn lạ, cách đặt vấn đề trực tiếp, giàu chất thế sự. Chất giọng lạ ấy được các đạo diễn, biên kịch nắm bắt và chuyển thể thành nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng.

Nhiều tầng ý nghĩa

Theo nhiều nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam và phim chuyển thể, Nguyễn Huy Thiệp là người "quyến luyến" trong ngôn từ và chất văn chương phong phú. Đây là tiềm năng để tạo ra các tác phẩm điện ảnh độc lập, có thể khai thác nhiều góc cạnh. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cho biết, những không gian, nội tâm con người và vấn đề mang tính nhân loại trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp khó để khai thác hết được.

Cảnh trong phim "Thương nhớ đồng quê" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp

“Văn chương Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều hiện thực, nhiều tầng, nhiều lớp, nếu không cẩn thận sẽ bị bỏ lỡ, hoặc hiểu chưa tới tầng nghĩa nào đó mà ông muốn thể hiện. Với riêng tôi, văn Nguyễn Huy Thiệp nên chọn đọc vào ban đêm, lúc xung quanh đã yên ắng, chúng ta mới có thể thâm nhập vào thế giới của ông. Điều đó giải thích rằng, các tác phẩm được chuyển thể điện ảnh của ông dù bên ngoài có cảm giác thản nhiên, trung hòa, nhưng đằng sau là những câu văn, đối thoại, là những ngầm ẩn, cơ hội để các đạo diễn bắt lấy ý tưởng phù hợp hay những sâu tầng mà ông chưa nói rõ trên văn bản văn học, làm bước ngoặt trong phim của mình”, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy nói.

So sánh tác phẩm văn học với tác phẩm chuyển thể điện ảnh sẽ thấy, có những cuộc đối thoại thể hiện sự khác biệt về nghĩa. Với phim điện ảnh, các nhà phê bình và người xem vỡ ra những điều rộng hơn, sâu hơn và sắc nét hơn so với những gì Nguyễn Huy Thiệp để lại trong văn chương của mình. Trong khi, ở truyện, các thân phận người không hẳn gói gọn trong câu chữ đương thời mà vượt ra khỏi thời đại ông sáng tác.

Ba bộ phim “Thương nhớ đồng quê”, “Những người thợ xẻ” và “Tâm hồn mẹ” được đánh giá đã khai thác đến tận cùng tính cách, chạm sâu vào tâm trạng những thân phận bị tổn thương. Ví như, nhân vật Ngữ trong truyện “Thương nhớ đồng quê” được khắc họa nhẹ nhàng, thể hiện nỗi nhớ chồng của một cô gái giữa làng quê hẹp, thế nhưng, sang đến bộ phim cùng tên của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhân vật này được khắc họa sâu hơn trong tâm trạng vò võ, nhớ nhung, mong chờ của người phụ nữ có chồng đi xa.

Phim “Những người thợ xẻ” của đạo diễn Vương Đức lại là câu chuyện dữ dội của những con người dữ dội. Đạo diễn đã đưa vào một nhánh chuyện không có trong tác phẩm văn học, là nhân vật cô giáo Phượng và mối tình của Ngọc với cô giáo, được góp nhặt trong truyện ngắn khác của ông là “Con gái thủy thần”. Vì thế, ý nghĩa truyện phim vừa sâu hơn, vừa mở rộng, tạo ra những đối thoại đẹp của tác giả Nguyễn Huy Thiệp.

Đặc biệt, ở phim “Tâm hồn mẹ”, đạo diễn Đặng Nhuệ Giang thể hiện xa hơn nhiều so với văn bản gốc, khi phản ánh tính cách kiên cường của nhân vật, sự tương phản về mặt không gian, trong sự xô bồ của chợ Long Biên và vườn rau xanh mát của bờ bên này sông Hồng…

“Tuần phim chuyển thể của Nguyễn Huy Thiệp" vừa được tổ chức từ ngày 5 - 9.4 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, nhằm tưởng nhớ tác gia truyện ngắn xuất sắc mới qua đời. Ba bộ phim được giới thiệu dịp này là “Thương nhớ đồng quê” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), “Tâm hồn mẹ” (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) và “Những người thợ xẻ” (đạo diễn Vương Đức). Tọa đàm "Chảy đi phim ơi: khơi dòng điện ảnh từ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp" cũng đã được tổ chức, với sự tham gia của các đạo diễn, nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam và phim chuyển thể.

Đậm tính gợi hình

Không dừng lại ở nhiều tầng nghĩa, các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được giới nghiên cứu nhận xét mang tính mạnh, gợi hình, không khí câu chuyện, hay nói cách khác chính là chất điện ảnh. Theo đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, đối thoại trong các câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp gần gũi với đối thoại của điện ảnh. “Đối thoại trong truyện của ông tuy ngắn gọn nhưng mạnh về âm lực và súc tích, thể hiện đầy đủ tính cách nhân vật. Không nhiều trường hợp, đối thoại trong văn chương biểu hiện được tính cách, mà có thể chỉ là những đoạn trần thuật. Bên cạnh đó, từ đối thoại cho thấy nhân vật luôn có 2 mặt, chứ không một chiều. Từ việc thể hiện tính cách nhân vật, độc giả, khán giả hiểu hơn thời đại mà nhân vật đang sống, nhất là giai đoạn mở cửa, bắt đầu nền kinh tế thị trường xuất hiện sự tha hóa về đạo đức, điềm báo cho thời đại hôm nay. Câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp vì lẽ đó theo tôi không hề cũ, rất thời sự”.

Đạo diễn Vương Đức lại xem chất điện ảnh chính là ở nhân vật và không gian của câu chuyện. “Tức là phải xây dựng nhân vật đó trong không gian có nhiều cảm xúc. ‘Những người thợ xẻ’ được tôi xây dựng với ngôn ngữ thể hiện dựa trên suy nghĩ này. Hồi còn ở Pháp, một đạo diễn người Iran hỏi tôi, tại sao tôi lại 'ném' câu chuyện vào trong rừng. Tôi nói, có điều đấy bởi vì trong rừng có luật rừng, làm gì, cãi gì cũng dễ. Như thế, nên tìm không gian cho câu chuyện và nhân vật. Càng nhiều không gian, câu chuyện càng trở nên sinh động”.

Đến "Thương nhớ đồng quê", đạo diễn Đặng Nhật Minh lại tìm được chi tiết vàng làm ý tưởng phim. Bắt đầu từ cảnh Nhâm đi đón chị Quyên Việt kiều từ ga tàu, đèo về bằng xe đạp, đi qua cánh đồng làng quê; cảnh Nhâm nhìn chị Quyên tắm sông từ ruộng ngô xanh ngát... Cả một trường đoạn hầu như rất ít đối thoại nhưng người xem hiểu thấu tâm tư, suy nghĩ, thậm chí cả lời nhân vật muốn nói. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận xét, văn của Nguyễn Huy Thiệp có đặc điểm mà điện ảnh rất cần, đó là không để nhân vật kể, thay vào đó hình ảnh nói lên tất cả. “Tôi từng viết một bài đánh giá về chất điện ảnh trong văn của anh Thiệp, ở chỗ không bao giờ dùng tính từ. Giống như trong điện ảnh, khi muốn miêu tả một buổi chiều đẹp hay cánh đồng quê yên ả, người ta sẽ dùng những cảnh quay để thể hiện điều đó…”.

“Sự tiết chế về không gian, những va chạm trong tính cách, và kết thúc là sự ấm áp trong tình người, sức mạnh trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp nằm ở đó. Khi văn chương của ông đã rất thành công, nó tạo cho chúng tôi khó khăn khi lựa chọn tác phẩm để chuyển thể. Song chính những khó khăn ấy lại cho chúng tôi có được thành công trong tác phẩm phim ngày hôm nay”, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang khẳng định.

Hương Sen