Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Chặt chẽ và chắc chắn

- Thứ Ba, 23/03/2021, 08:31 - Chia sẻ
Theo ghi nhận của các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, công tác chuẩn bị bầu cử trong phạm vi cả nước thời gian qua đã được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Lưu ý thời gian tới, khối lượng công việc chuẩn bị tổ chức bầu cử rất lớn, lại diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thiên tai vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhấn mạnh, phải hết sức chặt chẽ và chắc chắn trong từng việc để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội của toàn dân.

Tinh thần, quyết tâm chính trị rất cao

Báo cáo tại phiên họp của Hội đồng Bầu cử quốc gia ngày 22.3, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Đến thời điểm này, các cơ quan phụ trách bầu cử ở Trung ương và địa phương đã được thành lập bảo đảm đúng tiến độ, số lượng và thành phần theo quy định của pháp luật, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm tổ chức cuộc bầu cử đúng tiến độ với tinh thần khẩn trương, cẩn trọng và trách nhiệm cao.

Từ thực tiễn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tạo điều kiện rất thuận lợi để các địa phương chủ động trong việc triển khai công tác bầu cử, tập huấn, quán triệt nghiêm túc, bài bản các quan điểm, yêu cầu của cuộc bầu cử đến cấp cơ sở. Còn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, tại các địa phương mà Đoàn giám sát của Hội đồng Bầu cử quốc gia đến làm việc vừa qua đều cho thấy tinh thần và quyết tâm chính trị rất cao trong chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử ở những khía cạnh cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đã được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Trong quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, chú ý thành phần đại biểu là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có một số cơ cấu đạt tỷ lệ rất cao.

Đơn cử như tỷ lệ ứng cử viên là nữ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, tỷ lệ bình quân nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV đạt 48% trong danh sách sơ bộ, trong đó có những tỉnh đạt tỷ lệ rất cao như Hải Dương, Vĩnh Long lên tới 70% hay Nghệ An, Nam Định đạt 60%... Đối với bầu cử đại biểu HĐND, tỷ lệ ứng cử viên là nữ cũng đạt tới 42,2%. Tuy còn một số rất ít tỉnh chưa đạt tỷ lệ nữ ứng cử viên tối thiểu 35% như quy định của luật nhưng mặt bằng chung của cả nước, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, như vậy là rất cao. Điều này sẽ tạo thuận lợi để khi tiến hành bước hiệp thương lần thứ 3, tỷ lệ nữ ứng cử viên trong danh sách chính thức sẽ cao hơn so với các cuộc bầu cử trước.

Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử cũng là một điểm nhấn quan trọng được các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia ghi nhận và đánh giá cao. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kể từ sau phiên họp thứ 3 của Hội đồng Bầu cử quốc gia đến nay, số lượng tin, bài tuyên truyền về bầu cử đã tăng 2,5 lần, trung bình một ngày có khoảng 200 tin, bài về bầu cử. Công tác thông tin tuyên truyền cũng đặc biệt chú trọng việc đa dạng hóa về hình thức, phong phú về nội dung.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được triển khai rộng khắp trong cả nước nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về tổ chức cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Tận dụng các phương thức truyền thông mới

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử trong phạm vi cả nước, như đánh giá của Hội đồng Bầu cử quốc gia, đã và đang được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Tuy nhiên, khối lượng công việc từ nay đến ngày bầu cử 23.5 là vô cùng lớn như: Tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương; tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách chính thức người ứng cử; công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử; rà soát danh sách cử tri; niêm yết danh sách những người ứng cử; tổ chức để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thực hiện vận động bầu cử, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động nếu trúng cử; cấp phát kinh phí, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử... Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19, thiên tai vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp có thể tác động đến cuộc bầu cử. Do đó, công tác tổ chức bầu cử thời gian tới, theo các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, phải được tiến hành hết sức chặt chẽ và chắc chắn trong từng việc.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử ở cả Trung ương và địa phương cần quan tâm xây dựng kịch bản về phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức bầu cử tại các khu vực cách ly do dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân thực hiện quyền bầu cử, kể cả những người thuộc đối tượng phải cách ly. Bên cạnh đó, cần có đối sách phòng, chống các hoạt động xuyên tạc, chống phá hoạt động bầu cử, gây rối an ninh trật tự; làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ trước, trong và sau ngày bầu cử; quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, công khai, minh bạch.

Chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ Ba tới đây, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn lưu ý, việc lập danh sách người ứng cử cần bảo đảm tính chính xác, tránh sự nhầm lẫn về tên tuổi, chức vụ, trình độ, quá trình công tác… và phải cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu dự họp theo đúng quy định của pháp luật. MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình triển khai trong toàn quốc; hướng dẫn, giải đáp về công tác bầu cử; hướng dẫn và thực hiện quy trình lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; theo dõi việc xác minh các vụ việc do cử tri nêu đối với công tác bầu cử; đồng thời triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại các địa phương và tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ Ba ở Trung ương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia, MTTQ Việt Nam và Ban chỉ đạo bầu cử các tỉnh, thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác hiệp thương lần thứ ba để bảo đảm nữ ứng cử viên trong danh sách ứng cử chính thức đạt tỷ lệ cao. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng cho các nữ ứng cử viên để bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử viên “không chỉ đẹp về con số” mà còn là những đại diện thực sự tiêu biểu về năng lực, phẩm chất, xứng đáng được cử tri bầu tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.

Các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thời gian tới để Nhân dân nắm rõ quyền và trách nhiệm của mình, tạo không khí dân chủ trong toàn dân đối với cuộc bầu cử và tạo khí thế để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ đẩy mạnh truyền thông trên tất cả phương tiện, tận dụng các phương thức truyền thông mới như nhắn tin đến các thuê bao di động để động viên cử tri đi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, huy động các mạng xã hội Việt Nam tham gia tuyên truyền về bầu cử...

Với trên 90 triệu tài khoản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, các mạng xã hội Việt Nam là kênh tuyên truyền rất hiệu quả. Dự kiến trong giai đoạn tới, nhất là sau khi danh sách ứng cử viên chính thức được công bố, các thông tin xấu độc, chống phá cuộc bầu cử sẽ xuất hiện nhiều hơn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức trực 24/24 giám sát và xử lý thông tin chống phá cuộc bầu cử trên không gian mạng; phối hợp rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời các thông tin này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.  

Nguyễn Bình