Tín dụng chính sách

Chắp cánh ước mơ cho phụ nữ nghèo

- Thứ Hai, 08/03/2021, 06:56 - Chia sẻ
Không chỉ làm chủ gia đình nhỏ, làm chủ cuộc sống của mình, nhiều phụ nữ nghèo đã vươn lên làm chủ doanh nghiệp và thậm chí “thành danh” với những thương hiệu riêng bằng những đồng vốn tín dụng ưu đãi. Với họ, nguồn vốn là động lực, là cứu cánh giúp họ có thêm dũng khí vượt lên chính mình và biến những giấc mơ trở thành hiện thực!

Những “bà chủ” đi lên từ nghèo khó

Nhắc đến Bắc Kạn, không thể không nhắc đến đặc sản miến dong. Mà nhắc đến miến dong Bắc Kạn không thể không nhắc đến miến dong Triệu Thị Tá!

Nguồn vốn chính sách ưu đãi giúp phụ nữ JRai ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tự tin làm chủ cuộc sống và tham gia vào các hoạt động xã hội. Ảnh: Đức Kiên
Nguồn vốn chính sách ưu đãi giúp phụ nữ JRai ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tự tin làm chủ cuộc sống và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Ảnh: Đức Kiên

Năm 2011, với chút kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm thuê ở một sơ sở sản xuất miến dong dưới Thái Nguyên; cùng với 30 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ba Bể, người phụ nữ Dao Triệu Thị Tá ở thôn Nà Viễn (xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) đã cho ra đời sản phẩm mang thương hiệu Miến dong Triệu Thị Tá. Sau 10 năm lăn lộn, từ một cơ sở sản xuất nhỏ với 6 công nhân, mỗi ngày chỉ sản xuất được 50kg miến dong, đến nay, chị Triệu Thị Tá đã có hai cơ sở sản xuất miến dong với trên 50 công nhân; sản lượng lên đến 7 - 8 tạ miến mỗi ngày. Với giá bán 80.000 đồng/kg, ước tính mỗi năm mang về cho cơ sở lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Nói về những dự định trong tương lai, người phụ nữ dân tộc Dao cho biết, chị mong muốn mở rộng hơn nữa cơ sở sản xuất bởi số lượng miến làm ra hiện tại chưa thể đáp ứng được nguồn cung dồi dào của người tiêu dùng. Đặc biệt, từ tháng 10.2019, chị Triệu Thị Tá đã cho ra đời sản phẩm miến dong tỏi đen với nhiều giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh. Đặc biệt, với người bị bệnh tiểu đường, sản phẩm miến dong tỏi đen làm giảm lượng đường trong máu rất tốt.

Giống như chị Triệu Thị Tá, chị Phạm Thị Ngọc Loan ở xã Vang Quới Tây (huyện Bình Đại, Bến Tre) cũng từ người làm thuê cho công ty, sang tự làm rồi trở thành bà chủ. Hơn 10 năm trước, chị Loan bỏ xứ lên TP Hồ Chí Minh làm thuê đủ nghề từ phụ bán quán cơm, làm công nhân may ở công ty nhưng đồng lương quá ít ỏi. Rồi mẹ chị ở quê ốm cần người chăm sóc, vậy là chị Loan về quê. Về quê, sẵn nghề may từ lúc còn làm công nhân, chị Loan mua máy may về may gia công quần áo cho mối quen ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ tay nghề khéo, chị được đặt thêm nhiều đơn hàng.

Một mình làm không xuể, chị Loan gom góp mượn tiền mua thêm ba máy may để thuê thợ về may phụ. Đơn hàng mỗi lúc càng nhiều, nhưng tài chính có hạn. Chị Loan đã tìm đến NHCSXH và được hỗ trợ cho vay diện hộ cận nghèo 12 triệu đồng; cộng với 4,7 triệu đồng hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre, chị Loan đầu tư thêm máy may, nhận thêm thợ. Dần dà, từ làm thuê cho công ty, sang tự làm, rồi trở thành bà chủ lúc nào không nhớ. Từ một máy may (năm 2014), đến nay, chị Ngọc Loan đã có trong tay 40 máy may và khoảng 50 công nhân là các chị em nghèo trong xã đang làm việc thường xuyên tại cơ sở, với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng - 9 triệu đồng/người/tháng. Với sự đóng góp trong công cuộc giảm nghèo, năm 2018 chị Phạm Thị Ngọc Loan được trao Giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu tại Việt Nam!

Hội phụ nữ - cầu nối chính sách của chị em   

Chị Tá, chị Loan và rất nhiều chị em khác đã thoát nghèo và vươn lên bằng chính nghị lực và sự sáng tạo của mình. Trong suốt hành trình vượt khó ấy, vốn tín dụng chính sách luôn là người bạn đồng hành thân thiết nhất, gắn bó và hỗ trợ họ từ những bước đầu khởi nghiệp. Đặc biệt, để nguồn vốn đến với các chị em nghèo nhanh nhất, hiệu quả nhất, không thể không nhắc đến vai trò của các cấp hội phụ nữ.

Báo cáo tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, trở thành một điểm sáng trong thực hiện vai trò là cầu nối nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với phụ nữ nghèo, kiểm soát đồng vốn, hỗ trợ đồng hành để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích góp phần giúp các hộ nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua, Hội luôn là tổ chức có dư nợ cao nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đến cuối năm 2020, đạt trên 85,36 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 33,8 nghìn tỷ đồng so với năm 2014. Tập trung ở một số chương trình vay, hộ mới thoát nghèo là trên 15,7 nghìn tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 15,5 nghìn tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 12,4 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo trên 10,7 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm trên 12,4 nghìn tỷ đồng; học sinh, sinh viên gần 4 nghìn tỷ đồng... Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,21% (giảm 0,13% so với 31.12.2014).

Điều đó minh chứng việc thu lãi, hoàn trả gốc của các thành viên vay vốn cơ bản bảo đảm thực hiện tốt. Một số tỉnh/thành phố có mức tăng dư nợ cao như Hà Nội, tăng gần 3 nghìn tỷ đồng (119%) so với năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,09% xuống còn 0,02%; TP Hồ Chí Minh, tăng trên 1,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 1,4% xuống còn 0,57%; tỉnh Thanh Hóa tăng trên 1 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,22%, xuống còn 0,1%...

Đặc biệt, đối với hoạt động thực hành tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, tỷ lệ thành viên tham gia tiền gửi tổ viên đạt trên 100% hộ so với số hộ có dư nợ. Tính đến cuối năm 2020, số dư tiền gửi của tổ viên thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn đạt trên 4,84 nghìn tỷ đồng (chiếm 42,43%). Số tiền gửi tiết kiệm của 1 thành viên trong Tổ do Hội quản lý đạt 1,89 triệu đồng (cao hơn gần 200 nghìn đồng so với mức trung bình chung của 4 tổ chức chính trị - xã hội).

Đánh giá về tác động của nguồn vốn tín dụng chính sách, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, nguồn vốn không chỉ giúp chị em có cơ hội đổi đời, tự tin hòa nhập và làm chủ cuộc sống; mà còn giúp cán bộ Hội có điều kiện sâu sát hội viên, năng lực được tăng lên; theo đó, uy tín của tổ chức Hội được nâng lên, phụ nữ tự nguyện tham gia tổ chức hội nhiều hơn.

Bình Nhi