Bắc Giang:

"Chắp cánh" cho nông sản vươn tầm

- Thứ Tư, 16/06/2021, 12:43 - Chia sẻ
Ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường kết nối sau thu hoạch được coi là một giải pháp quan trọng tạo giá trị gia tăng, giúp nông sản sớm thoát vòng luẩn quẩn “giải cứu”. Đưa nông sản lên kinh doanh tại sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng,… đang là chiến lược đúng đắn giúp lan toả thương hiệu, tăng khả năng, tốc độ giao thương nâng tầm nông sản Việt, tránh thương tổn người nông dân.

 

Nông sản ùn ứ, không tìm được thị trường tiêu thụ, “được mùa mất giá”,… là vòng luẩn quẩn lâu nay. Kéo theo đó là “điệp khúc giải cứu” nông sản không ngừng tái diễn trong nhiều năm qua như một nan đề của ngành nông nghiệp Việt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành. Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh nông sản tại tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là vải Lục Ngạn vẫn được tiêu thụ thuận lợi.

Với cách làm mới, từ ngày đầu tháng 6, cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada đã đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm vải thiều Bắc Giang. Hoạt động này nhằm giúp vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh, rộng hơn, phù hợp với phương thức bán hàng thời kỳ công nghệ 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 việc tiêu thụ nông sản đang gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, việc phân phối nông sản bằng hình thức livestream và sàn thương mại điện tử cũng thể hiện Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp. Tôi cho rằng, đây là một hình thức phân phối sáng tạo, thiết thực và phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả của việc phân phối sản phẩm nông sản vì có thể phát huy tối đa những lợi thế của yếu tố công nghệ thông tin trong nông nghiệp.

Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, sự phối hợp của Hội Phụ nữ các cấp cùng các Bộ, ngành tham có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản là cách thể hiện tình yêu, tinh thần san sẻ của cộng đồng người Việt trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tôi cho rằng, hình thức bán hàng bằng livestream là các thích ứng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sự lan tỏa của cách bán hàng này là rất mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhiều so với cách bán hàng truyền thống.

Xác định vải là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang. Vì vậy, vấn đề quy hoạch vùng trồng là vấn đề luôn được ngành nông nghiệp địa phương quan tâm hàng đầu, bởi quy hoạch vùng trồng chính là cách bền vững để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài việc phát triển nâng cao sản lượng, chất lượng, nâng cao các tiêu chuẩn cho quả vải, trong nhiều năm qua, xây dựng thương hiệu cho loại trái cây này cũng là một yếu tố “then chốt” được Bắc Giang đặc biệt chú trọng. Theo đó, từ năm 2008, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan đăng ký bảo hộ vải thiều Lục Ngạn và cũng trong năm đó vải thiều Lục Ngạn được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, là sản phẩm thứ 15 của quốc gia. Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn trở nên nổi tiếng nhờ sự chung tay lan tỏa, uy tín và hơn hết là chất lượng sản phẩm. Chính điều này đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính trong và ngoài nước.

Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo nghiên cứu thị trường có tiềm năng xuất khẩu để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đã đăng ký thành công nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn tại 8 quốc gia. Các quốc gia khác đang được xem xét để đăng ký. Hay việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bên cạnh Nhật Bản, tỉnh cũng đang đẩy mạnh xúc tiến tại một loạt các thị trường khác như Mỹ, Australia, Hàn Quốc để có thể thực hiện trong tương lai gần…

Để giữ giá trị thương mại và giúp trái vải “cất cánh”, mới đây UBND tỉnh Bắc Giang có Công văn gửi Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tiêu thụ nông sản của tỉnh. Công văn nêu rõ, vải Bắc Giang hiện đang được xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, việc tạo điều kiện thuận lợi cho vải Bắc Giang được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa… đặc biệt, không dùng từ “giải cứu” trong các tin, bài, phóng sự… khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng. Theo UBND tỉnh Bắc Giang trên thực tế, sau khi có các tin, bài, phóng sự có từ “giải cứu”, giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân.

 

Mới đây, vải thiều Lục Ngạn đã được Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản vừa cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam có được sự bảo hộ này tại Nhật Bản.

Ngược dòng lịch sử nông nghiệp, chưa có thời điểm nào giá cả và tình hình tiêu thụ vải thiều lại nhận được sự quan tâm lớn như hiện nay. Dù đứng trước tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, nhưng có lẽ, chưa khi nào chính quyền các cấp và người dân Bắc Giang tự hào và tự tin với loại trái vải đến thế.

Và dĩ nhiên, mọi thứ không tự nhiên mà có. Niềm tin ấy, sự tự hào ấy được bồi đắp qua thời gian và dựng xây bằng những khối óc, hành động cụ thể của lãnh đạo, bằng mồ hôi và bàn tay của những người dân tỉnh Bắc Giang, qua nhiều thế hệ. Song song với đó còn là sự chung tay của cả cộng đồng, cũng như sự “tiếp sức” của các chính sách, Chính phủ và các Bộ, ngành từ khâu gieo trồng cho đến tiêu thụ.

Vụ vải thiều năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Bắc Giang nên tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về làm việc trực tiếp với tỉnh nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khâu tiêu thụ.

Livestream bán vải được coi là phương pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế
Livestream bán vải được coi là phương pháp sáng tạo, nhiều ưu điểm và phù hợp với tình hình thực tế

Bộ Công thương đã chỉ đạo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện và người khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản và đặc biệt là quả vải của tỉnh Bắc Giang nói riêng qua các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh cũng đã chủ động chuẩn bị cho các kịch bản tiêu thụ vải thiều, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tiêu thụ trong nước 50%, xuất khẩu 50%; Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát, tiêu thụ trong nước 70%, xuất khẩu 30%; Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước 90%, xuất khẩu 10%.

Đặc biệt, Kế hoạch số 2099/KH-UBND ngày 13.5.2021 ra đời nhằm bảo vệ vùng sản xuất vải thiều tập trung (Lục Ngạn, Tân Yên) an toàn, sạch dịch bệnh Covid-19, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ với phương châm “Vải thiều Bắc Giang chất lượng vượt trội được sản xuất tại các vùng không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Tỉnh đã lập các chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung để bảo vệ vùng trồng vải. Do đo, chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang được cho là tốt nhất từ trước đến nay. Bắc Giang cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương “mở làn xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi có giấy xác nhận an toàn do Chủ tịch UBND tỉnh cấp.

Tỉnh Bắc Giang cũng luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương về thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Nỗ lực kết nối, xúc tiến thương mại để chủ động tìm thị trường thiêu thụ cho các nông sản và trái vải, gắn với bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Vải Lục Ngạn đã chính phục được các thị trường đánh giá vì có chất lượng cao
Vải Lục Ngạn đã chính phục được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, Mỹ...

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, đến nay cơ bản việc tiêu thụ một số nông sản chính và vải thiều của tỉnh diễn ra thuận lợi. Đến hết ngày 14.6, tổng sản lượng vải tiêu thụ đạt 104.487 tấn. Trong đó, sản lượng trái vải tiêu thụ trong nước trên 61.230 tấn, chiếm gần 59%, xuất khẩu đạt 43.257 tấn tại các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, chiếm trên 41%. Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, đến ngày 14.5, tổng sản lượng đã tiêu thụ là 51.399,88 tấn. Trong đó, sản lượng vải sớm đạt 30.317 tấn, vải thiều đạt 21.082,88 tấn.

Thị trường tiêu thụ nội địa, hiện đã tiêu thụ 27.699 tấn, chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: TP Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh,… Trong đó, vải tiêu thụ tại thị trường miền Nam đạt 14.379 tấn; Sản lượng vải tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đạt 3.166 tấn, sàn thương mại điện tử đạt 1.371 tấn. Vải tiêu thụ ở các thị trường nhỏ, lẻ khác và vải làm nguyên liệu sấy khô đạt 8.783 tấn, trong đó vải để sấy khô đạt 1.565 tấn.

Đặc biệt, trái vải Lục Ngạn cũng đã chinh phục nhiều thị trường nước ngoài, trong đó có các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, châu Âu (EU), Mỹ. Đến nay sản lượng vải xuất khẩu đạt tổng 23.564,88 tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với tổng sản lượng đạt 20.345,006 tấn (vải được thông quan chủ yếu qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 9.405,706 tấn, tỉnh Lào Cai là 10.939,3 tấn). Vải xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào, Malaysia… đạt 3.194 tấn; Sản lượng vải tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ đạt 25,874 tấn.

Giá bán dao động từ 12.000 - 28.000 đồng/kg; Giá vải sớm Thanh Hà từ 18.000-28.000 đồng/kg; Giá vải thiều: giá 12.000 - 25.000 đồng/kg (Giá vải thu mua tại các vườn sản xuất theo tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật bản là 25.000 đồng/kg).

Giá bán vải tại Bắc Giang dao động từ 12.000 - 28.000 đồng/kg
Giá bán vải tại Bắc Giang dao động từ 12.000 - 28.000 đồng/kg

Với những chiến lược cụ thể, cách làm bài bản, Bắc Giang đã hoàn thành “mục tiêu kép” là chống dịch kèm phát triển kinh tế. Nhìn từ một khía cạnh khác, Bắc Giang như đã chạm đến được kỳ tích “nhất tiễn trúng tam điêu” là vừa chống dịch, vừa tăng cường kết nối để “chống ế”, chống rớt giá và tạo được lòng tin, tránh tổn thương các nông hộ. Đây được coi như một điểm sáng, bài học kinh nghiệm đáng để các địa phương khác học hỏi trong việc kết nối để chủ động tiêu thụ nông sản chứ không chờ “giải cứu.

Đức Hiệp