Chắp cánh cho lẩy Kiều

- Thứ Bảy, 03/04/2021, 06:09 - Chia sẻ
Khi hình thức ngâm Kiều đang có phần thưa vắng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, lần đầu tiên, toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát trong kiệt tác của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới, đã được các nghệ sĩ ngâm, lẩy Kiều chia sẻ trên Youtube để đông đảo công chúng có thể thưởng thức miễn phí.

Lối hát riêng sinh ra từ “Truyện Kiều”

Trong đời sống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, có hẳn một lối ngâm riêng dành cho “Truyện Kiều”. Xưa kia, ngâm Kiều phổ biến, hiện hữu trong đời sống ở bất cứ lúc nào, dù vui hay buồn, lúc ru con cháu ngủ, hay dạy dỗ, khuyên răn con người ta điều gì đó, chiêm nghiệm cuộc đời, hoặc đơn thuần là để có phút giây thư thái sau một ngày làm việc mệt nhọc... Ngày nay, ngâm Kiều vẫn tồn tại trong các thể loại kịch hát truyền thống và ca hát dân gian như chèo, hát văn, ca trù, hát xẩm... Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại với tư cách một phần nhỏ trong một tác phẩm. Trong khi ngâm Kiều với tư cách một thể loại, một lối hát riêng sinh ra từ “Truyện Kiều” và góp phần đưa “Truyện Kiều” phổ biến hơn trong lòng người Việt đã gần như không còn được nhắc tới trong đời sống tinh thần.

	NSND Thanh Hoài biểu diễn lẩy Kiều tại buổi ra mắt dự án
NSND Thanh Hoài biểu diễn lẩy Kiều tại buổi ra mắt dự án

Nhằm tôn vinh lối ngâm độc đáo gắn liền với kiệt tác văn học Việt Nam, dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” đã ra đời. Sau khi được âm nhạc chắp cánh, toàn bộ 3.254 câu thơ trong tác phẩm "Truyện Kiều" có tổng thời lượng 561 phút, tương đương gần 10 tiếng âm thanh. Để khán giả dễ dàng tiếp cận, nhóm dự án chia thành 12 chương theo nội dung của truyện, mỗi chương có độ dài từ trên 30 phút cho tới 100 phút. Tác phẩm được lần lượt giới thiệu vào 20 giờ các ngày thứ Ba, Năm, Bảy từ ngày 1 - 24.4, trên kênh Youtube Dân ca & Nhạc cổ truyền do nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập, giới thiệu và tôn vinh nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.

Tại buổi ra mắt dự án chiều 2.4, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết, dự án được anh ấp ủ từ rất lâu, nhưng xác định đây là một công trình rất lớn, muốn thực hiện cần có tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng và cần có khoản kinh phí tương đối để vận hành, nên việc thực hiện dự án nằm ngoài khả năng cá nhân. Chia sẻ suy nghĩ của mình với NSND Thanh Hoài và nghệ sĩ Phạm Dũng cách đây chừng 4 - 5 năm, đến khi đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động, các nghệ sĩ có điều kiện bắt tay làm dự án lớn này.

Thêm cách cảm nhận “Truyện Kiều”

Gắn bó suốt tuổi thơ với những câu ru bằng ngâm Kiều, lẩy Kiều, nghệ sĩ Quang Long cho rằng: Khi những câu thơ lục bát vang lên bằng tình cảm sâu nặng, yêu thương của người phụ nữ thì những giá trị được cảm nhận, lan tỏa và lắng đọng theo thời gian... Ngâm Kiều khác với các loại hình khác ở màu sắc ngôn ngữ, âm nhạc, cách rung, nhấn nhá, nảy hạt, trao gửi tâm trạng của người ngâm và nếu ngâm theo lối cổ thì ngâm xong một đoạn buộc phải có câu “vay”, tức hai chữ đầu của câu sáu tiếp theo. Trong dự án, tất cả nghệ sĩ đều ngâm Kiều thuần thục, NSND Thanh Hoài với lối ngâm cổ, sự chuẩn mực xuất hiện ngay ở phần đầu và phần cuối thu âm. Các nghệ sĩ trẻ lại có nét tươi mới, thể hiện rõ cá tính...

Đảm nhiệm phần ngâm Kiều có: NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh, Văn Phương, Thúy Nga. Trong khi dàn nhạc có sự tham gia của các nghệ sĩ: Trần Quế Hương (đàn tranh), Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), Lê Tiến Trung (sáo, bầu), NSƯT Xuân Hải (nhị). Phần thu âm được lồng trong hình ảnh 2D và kỹ xảo hình để minh họa tác phẩm, do các nghệ sĩ trẻ phụ trách. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện thêm một phần cảnh quay nghệ sĩ ngâm Kiều với dàn nhạc dân tộc ở đình Chèm, Hà Nội.

Ở tuổi ngoài 70, miệt mài từ sáng tới tối thu âm cả hàng nghìn câu thơ, thậm chí phải thu đi thu lại vài lần do sự cố kỹ thuật, NSND Thanh Hoài chia sẻ: “Thời đại ngày nay đã mai một các giá trị cổ truyền, nên tôi vui vì các bạn trẻ đã nghĩ đến ngâm thơ Kiều, lẩy Kiều. Chính vì vậy, tôi tham gia dự án với mong muốn góp phần giữ lại bản sắc dân tộc, để mọi người hiểu thêm về 'Truyện Kiều', về những làn điệu dân gian mà cha ông ta để lại”.

Tham dự buổi ra mắt dự án, nhà thơ Hồng Thanh Quang cho biết: Dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du năm 2020, đã có nhiều tác phẩm chuyển thể, lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”. "Chuyển 'Truyện Kiều' sang thể loại khác là tài năng của nghệ sĩ hiện đại, nhưng tôi nghĩ 'Truyện Kiều' hay là ở những câu chữ của Nguyễn Du. Dự án ngâm Kiều đã giữ được vẹn nguyên những câu chữ ấy, và vẫn truyền cho chúng ta chút cảm xúc cá nhân của nghệ sĩ, giúp khán giả hiện đại có thêm cách cảm nhận tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du”.

Có thể thấy bên cạnh đóng góp về mặt văn học, "Truyện Kiều" có vị trí hết sức thú vị bởi qua đó ông cha ta đã sáng tạo riêng một lối hát dành cho những câu Kiều. Và dự án góp phần lưu giữ, lan tỏa mạnh mẽ hơn hình thức ngâm Kiều, nhất là trong thế hệ trẻ. Bên cạnh phổ biến bản thu qua internet, nhạc sĩ Quang Long dự định sẽ tổ chức những buổi trình diễn nhỏ trong không gian văn hóa thuần Việt như đình làng, phố cổ để ngâm Kiều, lẩy Kiều, tương tác với công chúng.

Thảo Nguyên