CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH NINH BÌNH LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Động lực và mục tiêu mới

- Thứ Ba, 20/10/2020, 06:15 - Chia sẻ

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, từ ngày 20 - 22.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, với sự tham gia của 339 đại biểu, đại diện cho hơn 72 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, được kỳ vọng mở ra thời kỳ phát triển mới của địa phương.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng và đoàn kết của Nhân dân trong toàn tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình sẽ phát huy tối đa lợi thế, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Những dấu ấn trên bước đường phát triển

Có thể khẳng định, dưới sự quan tâm của Trung ương và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đoàn kết của Nhân dân trong toàn tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Kinh tế phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Tổng thu ngân sách của cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ninh Bình sẽ tập trung phát huy lợi thế về vị trí chiến lược, trung điểm của tứ giác tăng trưởng trọng điểm vùng kinh tế Bắc Bộ. Đồng thời, tăng cường hợp tác liên kết vùng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác hiệu quả bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên du lịch, phát triển hài hòa giữa công nghiệp và du lịch, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh, hiện đại.

Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
Nguyễn Thị Thu Hà

Đặc biệt, Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn. Qua đó, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và các dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh tăng mạnh. Trong 5 năm đã có 3.230 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 130 dự án với số vốn đăng ký 19.300 tỷ đồng.

Mặt khác, Ninh Bình còn chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Với việc tập trung triển khai đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông - lâm nghiệp đã góp phần tạo chuyển biến toàn diện về sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Ninh Bình cũng luôn chú trọng đến công tác an sinh - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 1,81% đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Một trong những điểm nhấn nữa đó chính là việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Hết năm 2020, có 106/116 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 91,4% tổng số xã); có 3 huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn đạt chuẩn huyện NTM và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Với bề dày lịch sử - Cố đô Hoa Lư, nơi hội tụ linh khí của đất trời - nơi phát tích ba triều đại (Đinh, tiền Lê, Lý); được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh thắng có một không hai, cùng với cốt cách văn hóa mang bản sắc riêng có, nhiều năm qua, Ninh Bình đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa lâu dài và được thể hiện ngay trong chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII là phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Ninh Bình phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Ảnh: Đức Lam

Kỹ lưỡng, bài bản, đúng quy định

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình thành công, Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, ngay từ cuối năm 2019, Ninh Bình đã xây dựng Kế hoạch chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Liên quan đến công tác chuẩn bị văn kiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Tiểu ban Văn kiện chỉ đạo triển khai xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã ban hành hướng dẫn đề cương báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành; xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị; tổ chức hội nghị xin ý kiến rộng rãi. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội dung văn kiện, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện nội dung Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để chính thức trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Xoay quanh công tác nhân sự, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: Ninh Bình xác định xây dựng đề án nhân sự với quan điểm chung nhất là làm sao chọn bộ máy mới đủ tâm, đủ tầm. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Tiểu ban Nhân sự và Tổ giúp việc Tiểu ban. Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã được thực hiện kỹ lưỡng, bài bản và đúng quy trình, quy định.

“Quá trình làm công tác nhân sự, tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, rà soát tiêu chuẩn chính trị cả chính trị hiện tại và lịch sử chính trị để cương quyết không đưa vào cấp ủy những đồng chí bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không có uy tín, vi phạm kỷ luật” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.

Đưa những quyết sách đúng và trúng

Một nhiệm kỳ nữa sắp đi qua, những kết quả đã đạt được là minh chứng cho quyết tâm, sáng tạo, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Ninh Bình cần phải nỗ lực hơn nữa.  

Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình đầu tháng 7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương cố gắng nhiều mặt của Ninh Bình đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, nâng cao uy tín của vùng đất cố đô lịch sử, song cũng còn mặt hạn chế. Trước đòi hỏi về sự phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Ninh Bình cần nỗ lực hơn nữa. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị về tầm nhìn, Ninh Bình phải trở thành tỉnh có động lực tăng trưởng mạnh của Bắc Bộ và cả nước, một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách; yêu cầu phát triển xanh và bền vững đòi hỏi phải có cách làm sáng tạo và đổi mới. Vì vậy, Ninh Bình cần một chiến lược tổng thể với tầm nhìn xa, có chiều sâu chuyên môn, có cả công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. Quy hoạch tốt để hỗ trợ trong phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế đô thị, NTM bền vững. Trong đó, phải quan tâm hơn nữa đến quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, bảo đảm không chồng lấn, không phá vỡ quy hoạch chung…

Trước thềm sự kiện chính trị quan trọng, để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đặt trọn niềm tin vào một kỳ đại hội thành công cũng như hiện thực hóa mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ninh Bình cần có những quyết sách đúng đắn, tính khả thi cao và sát thực tiễn. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ninh Bình sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, nhất là hạ tầng du lịch.

Đồng thời, thực hiện tốt 6 chương trình trọng tâm, cụ thể: Tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng Đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; tập trung cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, có số thu ngân sách lớn, các nhà đầu tư chiến lược phát triển du lịch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư, phát triển toàn diện văn hóa xã hội, coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

TRỌNG HIẾU

Bài liên quan: