Chặn đứng “bảo kê”

- Thứ Bảy, 03/04/2021, 22:59 - Chia sẻ
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã tạm đình chỉ công tác 2 tháng đối với ba cán bộ cảnh sát đường thủy thuộc Đội Cảnh sát đường thủy để xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông có hành vi tiêu cực trên sông Đồng Nai.
Vụ 'làm luật' trên sông: Bình Dương tạm đình chỉ 3 cảnh sát   - ảnh 1
Tiền kẹp vào sổ trước khi trình cho thanh tra giao thông và cảnh sát đường thủy trên sông Đồng Nai. Ảnh: T.SANG - V.HỘI. Nguồn: plo.vn 

Theo phản ánh của báo chí, khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính, Đội Cảnh sát đường thủy chỉ kiểm tra các phương tiện thủy một cách chớp nhoáng, thời gian chỉ tính bằng giây. Điều đáng nói, các tàu, sà lan chở vật liệu xây dựng khi bị kiểm tra, các chủ tàu kẹp tiền vào sổ trước khi trình cho cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông. Và chỉ sau ít giây kiểm tra sổ, những người kiểm tra trả lại sổ nhưng các tờ tiền trong sổ đã không còn.

Liên quan đến nhiệm vụ của cảnh sát đường thủy, Thông tư: 68/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy trình tuần ra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát đường thủy nêu rõ, một trong những nguyên tắc của tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính là phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, an toàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính và các vi phạm pháp luật khác theo đúng quy định. Thông tư cũng quy định, nghiêm cấm lợi dụng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính để sách nhiễu, gây phiền hà Nhân dân, cản trở hoạt động giao thông vận tải thuỷ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 10 của Thông tư này nêu rõ, nội dung và phương pháp kiểm soát trên phương tiện, theo đó, khi kiểm soát giấy tờ phải đối chiếu với thực tế và xác định tính hợp pháp của giấy tờ; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện: Kiểm soát bằng quan sát, đối chiếu thực tế với giấy tờ của phương tiện hoặc bằng thiết bị kỹ thuật, khi cần thiết phải kiểm tra trên cơ sở dữ liệu hoặc đề nghị cơ quan chuyên môn giám định. Cùng với đó phải kiểm soát an toàn vận tải: Độ chìm của phương tiện so với vạch dấu mớn nước an toàn; chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật, số người thực tế so với sức chở của phương tiện và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải.

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, thì việc kiểm tra mang tính chất “chớp nhoáng”, và kiểm tra mà chỉ mở giấy tờ ra rồi gập lại chỉ vì mục đích khác của cảnh sát đường thủy đối với các chủ tàu, xà lan theo như báo chí phản ánh liệu có đúng quy định? Việc lực lượng thực thi pháp luật nhận tiền lót tay để bỏ qua các lỗi cho các chủ phương tiện thực tế là một hình thức bảo kê cho sai phạm cần sớm phải xử lý dứt điểm.  

Có hay không hành vi vi phạm của những người thực thi pháp luật trong trường hợp này? Có hay không tình trạng các cán bộ lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi? Đây là câu hỏi mà cử tri và dư luận mong sớm nhận được câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng?

Tình trạng bảo kê cho sai phạm đã xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy, trong khi nhiều cán bộ đã tuân thủ nghiêm quy định pháp luật thì vẫn có những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, vị trí của mình để trục lợi thông qua việc nhận tiền lót tay để làm ngơ cho sai phạm. Có những cán bộ kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng đã tiếp tay cho lâm tặc trong việc phá rừng trong thời gian dài đã từng xảy ra ở Kon Tum, Gia Lai…gây bức xúc dư luận, thiệt hại hàng nghìn ha rừng. Đã có những cán bộ là công an đã “bảo kê” cho xe quá tải và những cán bộ can thiệp trái pháp luật này đã bị xử lý kỷ luật.

Có thể thấy, bảo kê cho vi phạm đã len lỏi vào nhiều lĩnh vực. Trong cuộc họp báo Chính phủ mới đây, khi đề cập đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án về các hành vi "buôn lậu", "sản xuất, buôn bán hàng giả", "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, điều tra ban đầu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý và bảo kê tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả. Vụ án cho thấy hoạt động buôn lậu đã diễn ra từ lâu, trên quy mô rộng, với thủ đoạn tinh vi, có sự tham gia của một số cá nhân, tổ chức trong hệ thống, “nói cách khác là có sự bảo kê, nên rất khó khăn”, ông Xô nhấn mạnh.  

Bảo kê cho sai phạm cũng được Ủy ban Tư pháp chỉ rõ trong báo cáo thẩm tra về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ. Theo báo cáo thẩm tra, qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, có tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra.

Đấu tranh với các đối tượng vi phạm đã khó, đấu tranh với lực lượng bảo kê còn khó hơn nhiều. Bởi đây là những đối tượng hiểu rõ pháp luật, là người trong cuộc nên hiểu rất rõ nội tình. Do đó, để phòng chống tội phạm, để ngăn ngừa vi phạm xảy ra, mỗi cơ quan, đơn vị cần theo dõi sát sao, kiểm tra, giám sát cán bộ thường xuyên, nhất là những người đảm nhiệm ở vị trí nhạy cảm. Và đặc biệt, cần xử lý nghiêm các đối tượng “bảo kê” để răn đe.

Hiện Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP quy định về kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử phạt hành chính. Đây là hành lang pháp lý quan trọng mà các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức có thẩm  quyền xử phạt cần triền khai nghiêm chỉnh, thường xuyên để đấu tranh, thanh lọc kịp thời những kẻ "bảo kê" sâu mọt trong bộ máy đã nuôi dưỡng vi phạm pháp luật để trục lợi. Những vi phạm nghiêm trọng cần điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh và kịp thời góp phần đẩy lùi hiện tượng "xã hội đen" tồn tại trong bộ máy.

 

Hà An