Chậm vì dữ liệu chưa liên thông

- Thứ Bảy, 08/05/2021, 06:12 - Chia sẻ
Bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính đất đai còn phức tạp, cần thu thập và công chứng nhiều giấy tờ; một số doanh nghiệp thực hiện thủ tục lần đầu và chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ trung tâm hành chính công/bộ phận một cửa nên thời gian chuẩn bị hồ sơ kéo dài, rải rác vài ngày đến vài tuần. Cá biệt có doanh nghiệp mất đến 2 ngày làm việc (tương đương 16 giờ) để tìm hiểu thông tin, và 14,2 ngày làm việc (tương đương 113,6 giờ) để chuẩn bị hồ sơ bao gồm cả thời gian làm việc với UBND cấp xã nơi có đất, và thực hiện đo đạc địa chính. Đó là những trải nghiệm của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Cụ thể, bình quân mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 20,2 giờ thực hiện nhóm thủ tục hành chính này. Chuẩn bị hồ sơ là khâu chiếm tỷ trọng thời gian thực hiện cao nhất. Trong 20,2 giờ làm việc sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính đất đai, doanh nghiệp dành tới gần ½ tổng thời gian (49,8%) để chuẩn bị hồ sơ. Sau khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp vẫn phải mất đến 4,8 giờ để tham gia Khảo sát thực địa/Họp thẩm định hồ sơ và Chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Hà Nam là địa phương có thực tiễn tốt nhất với thời gian trung bình chỉ bằng ½ trung bình cả nước (9,4 giờ).

Khoảng 15% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết: Có sử dụng internet để tìm hiểu thông tin nhưng thông tin không được đầy đủ mà cần thiết phải tìm hiểu trực tiếp tại cơ quan nhà nước. Tính đến thời điểm khảo sát (năm 2020), các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 ở một số địa phương, tuy nhiên trong tất cả 299 doanh nghiệp được khảo sát, chưa ghi nhận trường hợp doanh nghiệp nào thực hiện việc nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp bằng phương thức điện tử mặc dù số lượng doanh nghiệp thực hiện tìm hiểu thủ tục qua internet có xu hướng tăng. Lý do được các doanh nghiệp đưa ra là sự bảo mật và cẩn trọng về các giấy tờ sở hữu đất đai.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế trên. Đó có thể là việc thiếu dữ liệu chia sẻ giữa các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký quyền sở hữu tài sản liên kết với đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và xây dựng cơ sở quản lý, và với các thủ tục công chứng hoặc chứng thực hợp đồng giao dịch về đất đai. Hoặc, thiếu hạ tầng cơ sở để phối hợp và luân chuyển thực hiện nghĩa vụ tài chính trên phần mềm giữa tài nguyên và thuế - hạ tầng và dịch vụ thanh toán điện tử còn hạn chế; phần mềm một cửa điện tử và công ty dịch vụ cổng chưa được tích hợp và nhiều tính năng chưa được hoàn thiện.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP25 đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực kết nối điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai. Trong năm 2018, một số địa phương đã triển khai dịch vụ công mức độ 3 cho 12/95 thủ tục. Tuy nhiên số lượng vẫn khiêm tốn so với các ngành khác và dường như vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn về số lượng hồ sơ được thực hiện trên môi trường điện tử.

Theo khảo sát doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, vấn đề lớn đối với doanh nghiệp đó là sự không rõ ràng, không thống nhất giữa nhiều quy định về giao đất, cho thuê đất. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ của thủ tục hành chính, thời gian xử lý thủ tục hành chính của cơ quan quản lý kéo dài. Trong khi đó, mô hình một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính đất đai tại nhiều địa phương chưa thực sự hiệu quả vì doanh nghiệp vẫn phải làm việc với nhiều phòng ban, nhiều cấp khác nhau. Việc lưu chuyển hồ sơ giữa văn phòng một cửa với các phòng ban chuyên môn chậm làm kéo dài thời gian xử lý hồ sơ.

Nguyễn Minh