Chậm trễ và đội vốn
Tại buổi thị sát công trường dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội” và Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sáng 4.2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hai dự án đường sắt đô thị này. Đồng thời lưu ý cần chú trọng đến chất lượng kiến trúc để hai tuyến đường sắt này trở thành công trình văn hóa của Thủ đô.
Chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng?
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, hiện dự án đường sắt đô thị đoạn Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 80% khối lượng. Các đơn vị đang gấp rút tập trung thi công, hoàn thiện để tháng 9.2017 có thể đưa vào chạy thử như dự kiến. Còn Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành, ký hợp đồng 8/9 gói thầu xây lắp, thiết bị chính. Tổng giá trị các hợp đồng sau đấu thầu là: 853,7 triệu euro. Dự án đang triển khai thi công, tổng khối lượng thực hiện đạt khoảng trên 30%. Tuy nhiên, tiến độ tổng thể dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu.
Giải thích lý do sự chậm trễ này, UBND TP Hà Nội cho biết do vướng mắc, chậm công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi, di chuyển cây xanh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ khởi công gói thầu số 3. Công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp trong quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ. Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án đã được thúc đẩy, chuyển biến tích cực, các gói thầu xây lắp đã từng bước rút ngắn thời gian bị chậm. Tuy nhiên, tiến độ chung cũng mới chỉ đạt khoảng 30%.
Tính đến thời điểm này cả 2 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội đều bị đội vốn hàng trăm triệu USD và chậm tiến độ. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 330 triệu USD, dự kiến đưa vào vận hành năm 2016 nhưng đã phải lùi thời điểm khai thác đến năm 2018. Dự án tuyến Nhổn - ga Hà Nội tăng 393 triệu euro so với giá phê duyệt ban đầu, dự kiến hoàn thành năm 2017 nay đã phải điều chỉnh đến năm 2021. Tại buổi thị sát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành xem xét xử lý các kiến nghị của UBND TP Hà Nội về điều chỉnh cơ cấu khoản vay; xem xét, bố trí đủ kế hoạch vốn ODA giai đoạn 2017 - 2020...
![]() | |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát công trường dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông | |
Ảnh: Lan Chi |
Nâng cao chất lượng hệ thống vận tải hành khách công cộng
Về tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là thách thức lớn với phát triển kinh tế cũng như bảo đảm môi trường trong sạch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài việc gia tăng dân số, nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối chưa tốt. Bên cạnh đó, việc gia tăng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô khiến hạ tầng giao thông càng khó bắt kịp. Phó Thủ tướng phân tích, thực tế một ô tô chiếm chỗ 2, 3 xe máy nhưng cũng chỉ chở được 2, 3 người. Theo Phó Thủ tướng, giải pháp trước mắt là cần tổ chức giao thông tốt hơn, từng bước giảm phương tiện cá nhân, nâng cao chất lượng hiệu quả của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Còn về giải pháp lâu dài, cần đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông. Tuy nhiên vốn để đầu tư cho hạ tầng rất lớn. Bởi theo quy hoạch tầm nhìn đến 2050, Hà Nội sẽ có 350km đường sắt đô thị; mỗi km trị giá khoảng từ 100 - 150 triệu USD thì tổng số tiền phải đầu tư đã lên đến trên dưới 40 tỷ USD.
Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giao thông - Vận tải và TP Hà Nội triển khai 2 dự án trong điều kiện khó khăn, đã có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các đơn vị cần nỗ lực hết mình, bảo đảm an toàn lao động, an toàn cho người dân tham gia giao thông. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, Trung ương phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội giải quyết các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; giao quyền để có đột phá mạnh mẽ hơn nữa, tập trung hoàn thành các hạng mục bảo đảm an toàn chất lượng trên cả hai tuyến đường sắt đô thị. Đặc biệt, cần phải chú trọng đến chất lượng kiến trúc công trình, bởi bên cạnh công trình vận tải hành khách công cộng, đây còn là công trình văn hóa “khi hoàn thiện phải sử dụng các công nhân có tay nghề, kinh nghiệm trong việc thực hiện các công trình kiến trúc đẹp. Phải tạo được văn hóa riêng của đường sắt đô thị, từ đó nhân rộng, hấp dẫn được người dân sử dụng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội” là đường sắt khổ đôi 1.435 mm; hệ thống cấp điện ray thứ 3 DC750V; hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển chạy tàu CBTC; mua sắm 10 đoàn X 4 toa tàu, tiêu chuẩn châu Âu; hệ thống nhà ga: 8 ga trên cao và 4 ga ngầm; 01 khu Depot tại Nhổn, quận Bắc Từ Liêm, quy mô 15,05ha. Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án là 1.176 triệu euro tương đương 32.910 tỷ đồng. Dự án được hỗ trợ bởi Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp, Ngân hàng phát triển Châu Á và Ngân hàng đầu tư Châu Âu. |