Tản mạn

Chăm lo thiên nhiên

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:29 - Chia sẻ
Nếu chúng ta chăm lo cho thiên nhiên, thiên nhiên sẽ chăm lo lại cho ta. Nếu ta có thể thay đổi cách ta sống trên Trái đất, một tương lai khác sẽ hiện ra trong tầm mắt...

Sáng qua, cơn bão số 9 với sức mạnh khủng khiếp đã đổ bộ và tàn phá Nam Trung Bộ.

Trong một năm đại họa, từ dịch giã cho đến thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến con người và diễn ra ở phạm vi toàn cầu, những thông điệp từ bộ phim tài liệu "David Attenborough: A Life in Our Planet" (Netflix) sẽ mang đến cho chúng ta những kiến giải sâu sắc về biến đổi khí hậu và những thảm họa do sự thay đổi thời tiết cực đoan gây ra.

Trong bộ phim tài liệu chân dung này, thay vì nói về mình, nhà nghiên cứu thế giới tự nhiên, nhà làm phim tài liệu khoa học 94 tuổi xuất chúng lại dùng những trải nghiệm và kiến thức của mình để đưa ra một bản “tuyên bố nhân chứng” và “tầm nhìn về tương lai” có tính thức tỉnh nhân loại.

David Attenborough đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi tiêu cực về thế giới tự nhiên suốt cả cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của ông. Và bộ phim tài liệu này là “lời khai nhân chứng”, “tầm nhìn về tương lai” của ông. Là câu chuyện về cách mà con người tạo ra những sai lầm lớn nhất. Và nếu con người hành động kịp thời ngay bây giờ, chúng ta vẫn có thể sửa sai. 

Bộ phim đưa ra những biểu đồ để thể hiện sự thiệt hại chóng mặt của thế giới tự nhiên, qua các chỉ số hiển thị dân số, mức carbon và tỷ lệ phần trăm vùng hoang dã trong nhiều thập kỷ. Một trong những thay đổi lớn nhất là độ phủ xanh của rừng ngày càng thu hẹp lại. Nhiệt độ trung bình hiện nay trên toàn cầu ấm hơn 1 độ C so với lúc ông mới sinh ra. Tốc độ thay đổi này vượt qua bất kỳ tốc độ thay đổi nào trong suốt 10.000 năm qua. Hành tinh của chúng ta đang cạn kiệt băng. Hệ sinh thái nguyên sơ và xa xôi nhất này đang hướng đến thảm họa.

Cuộc tấn công mù quáng của chúng ta trên Trái đất cuối cùng đã thay đổi những quy tắc cơ bản của thế giới sinh vật. Mỗi năm con người đốn hơn 15 tỷ cây, đánh bắt cạn kiệt nguồn thủy hải sản. Bằng cách xây đập và làm ô nhiễm, khai thác quá mức sông hồ, con người đã giảm thiểu lượng nước ngọt xuống hơn 80%. Con người đang thay thế hoang dã bằng thuần hóa. Số động vật sống trong môi trường hoang dã, từ chuột đến cá voi chỉ còn chiếm hơn 4%...

Nhưng cuối cùng, như những bộ phim tài liệu tuyệt vời trước đây mà ông từng dẫn chuyện, David Attenborough vẫn hướng đến giải pháp để thay đổi nhận thức con người. 

Một ví dụ tích cực: Hơn một thế kỷ trước, 2/3 diện tích Costa Rica được bao phủ bởi rừng. Đến thập niên 1980, việc đốn gỗ bừa bãi làm giảm lượng bao phủ xuống chỉ còn ¼. Chính phủ của nước này đã quyết định hành động, đó là tài trợ cho chủ đất trồng lại các loại cây thổ sản. Chỉ trong 25 năm, các cánh rừng đã sống lại, đủ để bao phủ một nửa Costa Rica lần nữa. Nếu điều này được thực hiện trên phạm vi toàn cầu thì sẽ đưa đến thay đổi cực lớn, ông cho biết.

"Nếu chúng ta chăm lo cho thiên nhiên, thiên nhiên sẽ chăm lo lại cho ta. Nếu ta có thể thay đổi cách ta sống trên Trái đất, một tương lai khác sẽ hiện ra trong tầm mắt. Tương lai không đến mức mờ mịt và tăm tối, nếu chúng ta biết cách...".

Bảo Khánh