Chăm lo trẻ mồ côi vì đại dịch

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 21:41 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất rất lớn không chỉ về kinh tế mà còn về con người. Theo thống kê trong vài tháng trở lại đây, chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh – địa phương “nóng” vì Covid -19 đã làm cho hơn 1.500 trẻ rơi vào cảnh mồ côi. Đây là sự mất mát đau thương quá lớn đối với trẻ. Câu hỏi đặt ra là, cần làm gì để giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lý, tránh tổn thương tinh thần cho trẻ trong và sau Covid-19?

Tiếp sức cho trẻ tới trường

Với trẻ em khi mà “ăn chưa no, lo chưa tới” việc mất đi cha mẹ, người thân yêu là một tổn thất rất lớn, không gì bù đắp được. Sẽ có những em có nguy cơ không có người chăm sóc, không được tiếp tục đến trường. Để chia sẻ nỗi đau với các em, nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương, nhiều mạnh thường quân đã chung tay góp sức để giúp đỡ vật chất, tinh thần giúp các em vượt khó, được tiếp bước tới trường.

Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vũng Tàu tặng quà cho 2 cháu bé mồ côi mẹ do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: T.A

Theo Phó trưởng ban thiếu nhi Thành đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Nhung, ngay khi nhận thông tin về những trường hợp thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Hội đồng Đội TP. Hồ Chí Minh đã tính câu chuyện lâu dài là lo cho việc học của các em. Theo đó, Hội đồng Đội đã phát động chương trình kết nối học bổng bảo trợ học tập cho các em đến hết cấp III. Chương trình sẽ hỗ trợ học bổng với mức 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19, các em đang sống với ông bà hoặc người giám hộ mà hiện nay ông bà hoặc người giám hộ mất hoặc rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do Covid-19…Hơn một tháng qua chương trình đã nhận được đăng ký của hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể với hơn 400 suất học bổng cho đội viên, học sinh với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng.

Để cùng chung tay giúp trẻ em mồ côi do Covid -19 được tiếp tục đến trường, mới đây FPT đã quyết định xây dựng trường nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi do Covid-19. Việc làm nhân văn này được dư luận đánh giá cao, là hành động rất thiết thực giúp xoa dịu nỗi đau, sự mất mát đối với các em khi mất cha mẹ vì Covid-19. Đây cũng là động lực để các em tiếp tục đến trường để có cơ hội làm chủ được cuộc sống tương lai của mình.

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty FPT cho rằng đây, Covid-19 đang gây ra nhiều tang thương và xáo trộn cho hàng triệu người, hàng nghìn gia đình và cho cả đất nước. Và đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ. Do đó việc xây dựng trường cho 1.000 trẻ bị mồ côi vì Covid -19 là việc FPT nên làm và có thể làm.

“FPT mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, giúp đỡ các em trưởng thành, biến đau thương thành sức mạnh trở thành người có ích cho xã hội và chinh phục những đỉnh cao”, ông Bình nói.

Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi

Việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ em bị mồ côi cha, mẹ là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình các em. Nhiều ý kiến cho rằng, trong số những trẻ bị mồ côi vì Covid-19 mỗi em có một có hoàn cảnh khác nhau.

Về góc độ tiếp cận quyền trẻ em, trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích. Quyền rất đặc thù của trẻ em là được sống trong môi trường gia đình. Trẻ em chỉ phát triển tốt nhất, hài hòa nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ và người thân thích, ruột thịt của mình.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam

Về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, trẻ em là đối tượng chịu tác động tiêu cực nhiều góc độ từ Covid-19. Trẻ mồ côi không chỉ gặp những khó khăn trước mắt mà còn cả về lâu dài vì thiếu hụt sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ.

Tuy nhiên, để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, phải dựa trên thực tế là các em còn có bố hoặc mẹ, hoặc người thân nào hay không? Nếu còn thì họ có đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con họ không? Liệu họ có thiếu gì, cần giúp đỡ gì không? Chúng ta cần lắng nghe con trẻ và người đang chăm sóc trẻ để hiểu được các em có mong muốn gì? Và nếu có điều kiện ở với gia đình, người thân thì cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để các em có được mái ấm gia đình, được sống bên người thân. Bởi mục đích cuối cùng là chúng ta giúp các em ổn định cuộc sống, và giúp các em tiếp tục học tập, trưởng thành.

Thời gian qua, có nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ kịp thời cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, mỗi trẻ mồ côi cả cha và mẹ dưới 4 tuổi sẽ được nhận trợ cấp hơn 900.000 đồng/tháng; những em hơn 4 tuổi trở lên được trợ cấp 540.000 đồng/tháng.

Vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho các trẻ em mồ côi cả cha, cả mẹ hoặc mồ côi bố hoặc mẹ nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn. Số tiền này được lấy từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Những chính sách hỗ trợ kịp thời, sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng giúp trẻ em bị mồ côi vì Covid-19 vơi đi nỗi đau. Sự hỗ trợ giàu tính nhân văn này sẽ tạo cho các em một mái ấm gia đình, sự tiếp sức cần thiết để các em được tiếp tục đến trường và sớm trở thành công dân có ích cho xã hội.

Song Hà