Chấm dứt du học bao cấp

- Thứ Hai, 24/08/2020, 08:51 - Chia sẻ
Một số địa phương đang loay hoay giải quyết hệ lụy các chương trình du học bằng ngân sách nhà nước. Đó là việc truy thu những khoản kinh phí cho du học sinh mà họ không quay về phục vụ địa phương. Hành trình này vô cùng gian nan.

Tại Quảng Ngãi, có đến 4 trường hợp là con em lãnh đạo địa phương được đi du học nước ngoài bằng tiền ngân sách nhưng không về địa phương phục vụ. Đáng nói là cách thu hồi kinh phí của Quảng Ngãi theo tiến độ được cho là nhân văn thái quá với những trường hợp này. Tuy phải bồi hoàn gấp đôi so với kinh phí được nhận ban đầu, nhưng học viên được “trả góp” làm 10 lần trong vòng 2 năm. Điều khiến dư luận phản ứng là họ không chỉ vi phạm cam kết, muốn “xù nợ” với chính quyền mà còn cướp đi cơ hội hiếm có của nhiều người khác. Tuy nhiên, Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết, phải chờ sau 10 lần nộp, nếu cá nhân nào chưa nộp đủ, mới có các bước giải quyết tiếp theo.

Quảng Ngãi không phải tỉnh đầu tiên xảy ra tình trạng học viên, nghiên cứu sinh đi du học bằng tiền ngân sách rồi không trở về, hoặc trở về nhưng không làm việc tại cơ quan cũ như cam kết ban đầu. Tại Đà Nẵng, thời điểm năm 2017 cũng có đến 118/646 lượt học viên được cử đi học nước ngoài bằng ngân sách theo đề án đào tạo nhân tài nhưng vi phạm cam kết. Quá trình thu hồi kinh phí cũng vất vả chẳng kém Quảng Ngãi. Thậm chí, đòi không được nợ, Đà Nẵng đã phải khởi kiện ra tòa án đối với 23 trường hợp. Nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Cần Thơ… cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Khách quan mà nói, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều điểm chưa chặt chẽ nên dễ bị lợi dụng. Trong đó, vấn đề khiến nhiều người nghi ngại là đối tượng được chọn lựa du học bằng ngân sách là ai? Ứng viên du học có phải những gương mặt xuất sắc nhất được quyết định một cách khách quan và hợp lý không? Thực tế đã có trường hợp được cử đi học nhưng lại không đủ tiêu chuẩn. Phải chăng tiêu chuẩn, quy trình chỉ đặt ra cho có, trong khi đáng lẽ trường hợp con cán bộ thì lại càng cần sự minh bạch, công khai.

Những rắc rối từ các trường hợp du học bằng ngân sách còn thể hiện ở chỗ, việc thực hiện cam kết của người đi học lâu nay chủ yếu chỉ dựa vào niềm tin, sự tự nguyện của học viên. Trường hợp học viên không thực hiện rất khó áp dụng biện pháp cưỡng chế, hoặc có cũng rất phức tạp…

Chính sách dùng tiền Nhà nước để đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài của các địa phương bị lạm dụng đã phát lộ những bất cập của mô hình này. Khi những đối tượng du học bằng ngân sách nhà nước không quay lại phục vụ quê hương, thì ngoài thiệt hại về tài chính, còn nhiều thiệt hại cho kế hoạch phát triển chung cũng như tâm lý cống hiến của cộng đồng. Thiệt hại này lớn hơn nhiều so với ngân sách đã thất thoát mà các địa phương đang nỗ lực thu hồi.

Rõ ràng, đã đến lúc cần có những quy định chặt chẽ trong việc cử người đi học tập nghiên cứu bằng tiền ngân sách, có những biện pháp giám sát hữu hiệu hơn, tùy từng nhu cầu cụ thể, chọn người thực tài thực học. Còn lại, ai có năng lực thì tự tìm học bổng ở các nguồn khác nhau, trong và ngoài nước, tránh lợi dụng sự bao cấp của Nhà nước để đi học. Quan trọng hơn, không phải cứ cho tiền đi đào tạo là có nhân tài, mà phải có chính sách sử dụng nhân tài để họ thấy được trọng dụng, tôn trọng, phát huy sáng tạo, đóng góp cho đất nước.

Chi An