Chấm dứt cuộc chiến sau 68 năm

- Thứ Ba, 14/12/2021, 05:50 - Chia sẻ
Hôm qua, 13.12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên đã nhất trí về mặt nguyên tắc đối với việc tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 sau 68 năm. Bước đi này sẽ giúp làm giảm đáng kể động cơ gây căng thẳng quân sự xuyên biên giới, đồng thời tạo đà quan trọng cho tái khởi động đối thoại liên Triều.

Biện pháp hồi sinh tiến trình hòa bình khu vực

Được biết, thông báo trên được người đứng đầu Nhà Xanh đưa ra trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Scott Morrison trong chuyến thăm nước này. Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ tin tưởng rằng, tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ giúp khôi phục các cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ.

Hiệp định đình chiến được ký ngày 17.7.1953 giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ, trong đó, Mỹ đại diện cho 22 nước đóng góp binh sỹ và nhân sự y tế cho các lực lượng Liên Hợp Quốc (LHQ) hỗ trợ Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Kể từ đó đến nay, bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh, mặc dù Triều Tiên và Hàn Quốc cùng trở thành thành viên của LHQ vào năm 1992.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhiều lần nhắc lại quan điểm tuyên bố kết thúc chiến tranh là cần thiết. Còn nhớ, Chiến lược An ninh quốc gia năm 2018 của ông có đề cập đến việc thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên và tuyên bố trên sẽ giúp đạt được mục tiêu đó. Ngoài ra, trong phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in tiếp tục đề xuất một lần nữa rằng hai miền Triều Tiên và Mỹ, có thể cả Trung Quốc cần đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh như biện pháp làm hồi sinh tiến trình hòa bình trong khu vực.

Trước đó hồi tháng 10, Đặc phái viên của Hàn Quốc về các vấn đề an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, ông Noh Kyu-duk cũng từng nhấn mạnh, tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh do Hàn Quốc đề xuất, là cử chỉ mang tính biểu tượng cho thấy Seoul và Washington không muốn sự thù địch với Bình Nhưỡng để Triều Tiên sớm quay trở lại đối thoại. Theo ông Noh, điều này rất có ý nghĩa như biện pháp xây dựng lòng tin. Trên thực tế, đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bị đình trệ kể từ Hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vào năm 2019.

    Nguồn: AP

Quan điểm từ nhiều phía

Theo The Diplomat, đối với Hàn Quốc, tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Moon Jae-in ghi tên mình vào sử sách. Ông biết rằng trong hoàn cảnh hiện tại, về cơ bản đây sẽ là một vấn đề chính trị, với việc Triều Tiên đặt ra các điều khoản rõ ràng cho mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, vì chương trình hạt nhân của họ không thể bỏ qua. Nhưng Tổng thống Moon vẫn thấy một số giá trị trong một tuyên bố như vậy, ngay cả khi nó phải là đơn phương. Ông hy vọng ít nhất sẽ kiềm chế ở một mức độ nào đó cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên.

Đối với Mỹ, tuyên bố chấm dứt chiến tranh chủ yếu được coi là một cách thuyết phục Triều Tiên thảo luận trực tiếp các vấn đề bán đảo Triều Tiên với Mỹ. Washington tuyên bố sẵn sàng gặp bất kỳ phái đoàn nào từ Triều Tiên vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào (mặc dù điều này cuối cùng là không cần thiết, vì trên thực tế, Mỹ sẽ yêu cầu Triều Tiên thể hiện cam kết tiếp tục phi hạt nhân hóa theo thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2019 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore).

Hơn nữa, nếu tuyên bố kết thúc chiến tranh dẫn đến giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên, thì Hàn Quốc có thể tham gia đầy đủ hơn vào các nỗ lực đa phương do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc, chẳng hạn như Quad và AUKUS. Theo thời gian, những cấu trúc an ninh này có thể trở thành một tổ chức giống như NATO châu Á. Washington trước đây từng bày tỏ nghi ngờ về tính hữu ích của một tuyên bố kết thúc chiến tranh, đề cập đến những bất đồng với Seoul về “trình tự, thời gian và điều kiện” thích hợp của một động thái như vậy. Tuy nhiên, gần đây Mỹ đã sẵn sàng ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc về tuyên bố đó. Đất nước cờ hoa hy vọng sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại của Hàn Quốc chặt chẽ hơn với chính sách của mình trong cuộc đấu tranh kiềm chế Trung Quốc.

Còn về phía Trung Quốc, tờ Nhật báo China Daily của nhà nước, đã đưa ra đánh giá tích cực chưa từng có về bài phát biểu của Tổng thống Moon trước Đại hội đồng LHQ, ngay cả khi Triều Tiên chỉ trích Mỹ về những gì họ coi là tiêu chuẩn kép về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Có ý kiến ​​cho rằng Hàn Quốc có thể sử dụng Thế vận hội Olympic mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022 để tuyên bố kết thúc chiến tranh, vì nhà lãnh đạo Triều Tiên dự kiến ​​sẽ tham dự. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ thực hiện bởi Trung Quốc, vốn lo ngại về việc chính trị hóa sự kiện thể thao, sẽ không muốn các vấn đề liên Triều gây tranh cãi làm gián đoạn quá trình vận hành suôn sẻ của Thế vận hội.

Cuối cùng, đối với Triều Tiên, nước này vẫn có thể bác bỏ tuyên bố kết thúc chiến tranh như một sáng kiến nửa vời, nếu như các điều kiện cần thiết để Bình Nhưỡng chấp nhận chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên chưa được thiết lập. Hiện nay, điều mà Triều Tiên muốn là nới lỏng các lệnh trừng phạt mà không cần phải đưa ra cơ sở về việc phi hạt nhân hóa…

Ngọc Minh